“Ma trận” số nhà đánh đố người tìm

Câu chuyện loạn số nhà ở Hà Nội từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi lạc chân vào “ma trận” các dãy số nhà chẵn - lẻ. Ngay cả những người dân sinh sống tại Thủ đô đôi khi cũng phải mướt mồ hôi.
Một nhà 2 số 1 chẵn 1 lẻ (24 và 219) trên phố Hoàng Cầu Mới
Một nhà 2 số 1 chẵn 1 lẻ (24 và 219) trên phố Hoàng Cầu Mới.

Khó như "mò số nhà"

Chuyện số nhà lộn xộn trên nhiều tuyến đường đã làm rất nhiều người đi tìm địa chỉ phải dở khóc dở cười. Anh Nguyễn Đức Nghĩa (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên gặp cảnh trớ trêu như vậy.

Anh Nghĩa kể, mới đây anh có việc phải tìm tới địa chỉ số 3 Hoàng Cầu. Vẫn như thường lệ, anh mở app xem chỉ dẫn đường đi và đến đúng địa chỉ theo hướng dẫn, điện thoại báo “Bạn đã đến điểm đến của mình”. Nhưng khi đến địa chỉ số 3 Hoàng Cầu thì không phải địa chỉ anh cần tìm. Dạo quanh một vòng, anh Nghĩa để ý mới thấy con phố này có nhiều nhà số nhà 3.

Sau đó, anh Nghĩa hỏi một người bán trà đá ven đường thì nhận được cái lắc đầu: “Số nhà đây lộn xộn lắm, người dân ở đây còn không biết nữa mà, chỉ có cách gọi người ra chỉ vào thôi”.

Không chỉ riêng anh Nghĩa mà ngay cả những những tài xế, người giao hàng thông thạo đường sá, có sự trợ giúp của Google Maps, đôi khi cũng phải “mướt mồ hôi” mới tìm được đúng địa chỉ. "Nhiều lúc tìm đúng tuyến phố rồi nhưng số nhà thì đánh lung tung, chẳng cách gì mò ra được. Khách thì vội, còn mình loay hoay mãi không tìm được địa chỉ, rất mất thời gian và rước bực vào người", anh Nguyễn Văn Thịnh (tài xế GrabBike) nói.

Việc tồn tại những số nhà “siêu xuyệt” không chỉ khiến chủ nhà dở khóc dở cười, từ bác thợ điện, nhân viên công ty cấp thoát nước cho đến anh taxi công nghệ cũng phải “bó tay” về độ khó.

Ghi nhận thực tế tại phố Lê Văn Lương, số nhà đánh lộn xộn, chẵn lẻ xen kẽ, không hề tuân theo quy tắc nào cả. Theo đó, hướng Láng Hạ đi Tố Hữu phía bên phải bắt đầu là dãy số lẻ nhưng không theo thứ tự mà nhảy số bất quy tắc, chẵn lẻ xen lẫn.

Cụ thể, nhà số 11 đến nhà số 68, rồi lần lượt số 25, 21, tiếp lại quay lại số nhà 17, 19… Cạnh số 39 là số nhà 61 và ngõ 61 Lê Văn Lương, tiếp số nhà 63 lại đến số 18 xong rồi quay về 21 Lê Văn Lương. Chưa hết, đang chỉ số nhà 68, nhưng cuối đường lại là 2 nhà có địa chỉ 66 Lê Văn Lương. Còn đầu đường hướng ngược lại (phía đối diện) những nhà đầu tiên bắt đầu với số nhà 100, 110, 118, 116, 112, xen lẫn là số nhà 115, cạnh số nhà 115 lại là số 39 Lê Văn Lương.

Tuyến đường Nguyễn Trãi cũng là “ma trận” của những dãy số. Tuyến đường này hiện có 2 đoạn bị đánh số nhà trùng nhau. Đoạn từ Ngã Tư Sở đến hết quận Thanh Xuân được đánh một dãy số, nhưng sang địa phận Nam Từ Liêm, các số nhà được đánh lại từ đầu.

Cũng khó hiểu không kém, đó là đoạn đường nằm cạnh ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu. Tuyến phố này đã được đặt tên từ tháng 12/2013, tuy nhiên đến nay, tình trạng lộn xộn giữa biển số nhà cũ và số nhà mới khiến nhiều người gặp khó để tìm địa chỉ. Thậm chí những người dân sinh sống trên các tuyến phố kể trên cho hay, chính họ nhiều lúc cũng “bó tay” với cách sắp xếp số nhà như “đánh đố” này.

Loạn số nhà do 3 nguyên nhân chính

Tình trạng nhiều số nhà trùng nhau hoặc nhảy số ở Hà Nội như đã nêu trên thường xảy ra trên các tuyến phố mới mở rộng, đường làng lên phố, nhưng vẫn có những con phố lâu đời tồn tại số nhà bay. Đi tìm nguyên nhân giải thích cho “đặc sản Hà Nội” này có nhiều ý khác nhau, với chủ nhân ngôi nhà thì họ cũng có cái lý của riêng mình khi thay đổi số nhà kéo theo cả loạt thủ tục phải thay đổi từ sổ hộ khẩu, sổ đỏ, chứng minh thư, làm visa… nên ngày này qua tháng nọ, các khổ chủ vẫn mặc nhiên chấp nhận để con số mới chồng lên số cũ đang mọc rêu theo thời gian.

Theo nhà nghiên cứu Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tiến, tình trạng “loạn” số nhà xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Một là sự tùy tiện của người dân, đặc biệt là những người ở phố mới, muốn nhanh chóng có địa chỉ.

Hai là sự quản lý khác nhau, thiếu phối hợp của các địa phương trên cùng một con đường. Và ba là do “lịch sử” để lại, khi nhiều vùng nông thôn lên thành thị, địa chỉ không cập nhật theo sự thay đổi địa bàn hành chính. Điều này không chỉ gây bất tiện cho người dân, làm xấu đi hình ảnh đô thị, mà còn làm khó chính quyền cơ sở, đặc biệt là việc quản lý dân cư và các loại giấy tờ, thủ tục hành chính.

Hiện TP đã phân cấp cho các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện thời gian tới, nếu phát sinh vướng mắc, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương nhằm giải quyết bất cập, tạo thuận lợi cho người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, công tác này cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa, có một đơn vị đầu mối để thống nhất, phối hợp giữa các địa phương.

Nhà nghiên cứu Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tiến đề xuất: “Về nguyên tắc, một con phố thông suốt, dù qua phường này phường khác, quận này quận kia, nên được đánh số liên tục cho đến số nhà cuối cùng. Số nhà tùy tiện đến ngày hôm nay là chuyện của đơn vị quản lý được giao, không kiểm tra, quản lý không tốt. Thành phố nói chung và các quận huyện nói riêng nên tổng kiểm tra về việc đánh số nhà, cái nào chưa đúng, cái nào lệch lạc thì điều chỉnh. Bây giờ, hộ khẩu giấy đã được thay bằng hộ khẩu điện tử, thì việc xác minh, điều chỉnh lại sẽ thuận lợi hơn”.
Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc cho lao động nghèo
Đồ chơi trung thu truyền thống tràn ngập, áp đảo trên phố hàng Mã

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.