Hà Nội đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước

Kế hoạch được triển khai nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của TP.
Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước
Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1856/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của TP Hà Nội.

Kế hoạch được triển khai nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của thành phố.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; phát triển thương hiệu sản phẩm.

Mục tiêu giai đoạn 2023-2025: Tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4% - 5%/năm; Giai đoạn 2026-2030: Tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của TP.

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, TP giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua việc tổ chức hội chợ công nghiệp hỗ trợ hằng năm.

TP tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo ra sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các mặt hàng có thể mạnh xuất khẩu.

TP triển khai hiệu quả Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; triển khai Chương trình phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố, hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh.

UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn; mở rộng và phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn... Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của doanh nghiệp Hà Nội; hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong cả nước; hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại thị trường Hà Nội và quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư như thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Ngoài ra, TP công bố công khai, minh bạch các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.

Đồng thời, TP Hà Nội tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư… tới doanh nghiệp quốc tế.

Hà Nội: Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực hàng không
Hà Nội: Công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản được đẩy mạnh
Hà Nội và 4 thành phố lớn đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.