Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khẩn trương triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Các ngân hàng phải tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khẩn trương triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khẩn trương triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 29/3/2023, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách này.

Trong đó, đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN yêu cầu tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Theo đó, các TCTD chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Các ngân hàng phải tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại.

Kịp thời nắm bắt các thông tin, phản ánh, khó khăn, vướng mắc (từ khách hàng, các hiệp hội, các cơ quan…) trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kịp thời xử lý, tháo gỡ; báo cáo NHNN, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Bên cạnh đó, TCTD tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 và tại các Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất của ngành Ngân hàng.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, cần chỉ đạo các chi nhánh của TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiếp tục phối hợp các sở, ngành, hiệp hội địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về chính sách; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách.

Tiếp tục theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền...

Tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước với tổng quy mô hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc giải ngân gói này gặp khó khăn, tính đến cuối năm 2022, tức là sau 7 tháng triển khai, mới giải ngân được 134 tỷ đồng.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó như bối cảnh nền kinh tế đã khác so với khi đề xuất xây dựng chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là do tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này.

Thị trường tích cực với xu hướng lãi suất giảm
Ngân hàng Nhà nước cấm lách trần lãi suất huy động

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.