Hà Nội: Tháo điểm nghẽn trong công tác quy hoạch

Để phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, công tác quy hoạch ở nước ta luôn có sự đổi mới. Tuy nhiên, qua gần 5 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được nhiều tồn tại cũng đã bộc lộ, nhiều “điểm nghẽn” đang đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương, trong đó có Hà Nội.
Để giải quyết “điểm nghẽn” trong lựa chọn đơn vị tư vấn cần có cơ chế linh hoạt, cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch
Để giải quyết “điểm nghẽn” trong lựa chọn đơn vị tư vấn cần có cơ chế linh hoạt, cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch.

Theo tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan chủ trì đang gặp không ít khó khăn trong lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch. Thực tiễn cho thấy, yêu cầu với nhà thầu tư vấn lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của Luật Đấu thầu rất cao.

Trong khi đó, số lượng đơn vị tư vấn, lực lượng chuyên gia đáp ứng được yêu cầu không nhiều, cộng với việc chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Bên cạnh đó, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong khi không phải lúc nào các địa phương cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 19 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có liên quan đến nhiều ngành. “Như vậy, mỗi ngành sẽ chiếm một hợp phần nhất định. Nhiệm vụ tìm ra đơn vị có năng lực tích hợp các kiến thức để đứng ra liên kết toàn bộ chuyên ngành này là bài toán khó. Nếu chọn tư vấn không đáp ứng yêu cầu, không có khả năng, quy hoạch chắc chắn phải sửa đi sửa lại nhiều lần”, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Từ những khó khăn, cho thấy cần có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn và cần cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Một yếu tố quan trọng nữa là trong cơ cấu hội đồng thẩm định không chỉ có cơ quan quản lý chuyên ngành mà còn phải có đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp và đại diện Nhân dân.

Một số chuyên gia khác cũng kiến nghị, để việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đạt được hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn. Cùng với đó, cần ban hành đầy đủ các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch.

Trong bối cảnh nước ta đang rất thiếu các đơn vị tư vấn đủ khả năng đối với một số quy hoạch then chốt, quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng hoặc một số đô thị lớn thì Chính phủ cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất về cách thức lựa chọn và nguồn kinh phí để thuê các tư vấn thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung, công tác quy hoạch luôn có vai trò quan trọng. Đó là định hướng, là công cụ quản lý, căn cứ giúp các cấp, ngành trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân...
Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô
Hà Nội lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.