Tìm giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ngân hàng

Để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của DN trong thời điểm hiện nay nhất là tái định vị DN phát triển ổn định. Các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất; lãi suất huy động và cho vay đã hạ so với cuối năm 2022 nhằm hỗ trợ DN, song, đại diện các DN cho rằng, do nhiều nguyên nhân, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng không dễ dàng…
Anh Dương Minh Cường, chủ cơ sở xản xuất hoàn thiện dòng đàn dân tộc và sản xuất đế giày ở Ứng Hoà, Hà Nội mong muốn được tiếp cận loại hình vốn vay ưu đãi để mở rộng và tái tạo sản xuất.
Anh Dương Minh Cường, chủ cơ sở xản xuất hoàn thiện dòng đàn dân tộc và sản xuất đế giày ở Ứng Hòa, Hà Nội mong muốn được tiếp cận loại hình vốn vay ưu đãi để mở rộng và tái tạo sản xuất.

Tín dụng dồi dào khả năng tiếp cận của DN khó

Hiện có nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) nhưng DN vẫn khó tiếp cận, thậm chí có DN đủ điều kiện vay vốn nhưng không "mặn mà".

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Cty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Anh Dương Minh Cường, xóm Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, một chủ cơ sở xản xuất hoàn thiện dòng đàn dân tộc và sản xuất đế giày có quy mô hơn 1.000m2 xưởng với hơn 10 công nhân chính. Khi phóng viên hỏi về nguồn vay ưu đãi của NHTM các DN vừa và nhỏ. Chủ DN đều trả lời chưa biết đến điều đó. Anh Cường nói: Chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận loại hình vốn vay ưu đãi để mở rộng và tái tạo sản xuất. Nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong khi hiện nay gia đình tôi đang phải vay ở các tổ chức tín dụng với lãi suất rất cao. Việc vay đều chỉ vay theo hình thức thế chấp tài sản.

Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn cho biết, thời gian qua, các DN phải đối mặt với áp lực lãi suất tín dụng cao và tỷ giá USD biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn giảm sút do lạm phát ở mức cao cũng khiến lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng. Đây chính là những nguyên nhân làm hạn chế nhu cầu vay vốn của DN.

Cùng quan điểm, GĐ Cty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết cho hay, việc tiếp cận vốn vay với DN nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn do nhiều thủ tục liên quan đến tài sản bảo đảm... Để đầu tư cho việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi thời gian kéo dài, trong khi thị trường ảm đạm, mọi lợi nhuận có được trong thời điểm này chỉ đang tạm giúp DN ổn định trở lại, duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng.

Kiến nghị gỡ chuẩn vay cho DN

Sự tồn tại của DN gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Hiện nay việc tiếp cận vốn của DN còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn không chỉ đến từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, mà còn đến từ tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Bà Giang cho rằng, về phía ngành ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội - thừa nhận thực tế nhiều DN nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian bởi đa phần các DN này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.

Bà Ngân kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho DN nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ. Để giải quyết các thách thức này, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho DN để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho DN.

Đồng quan điểm ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, kiến nghị, cơ quan chức năng nên đa dạng kênh tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa. Theo ông Mạc Quốc Anh, DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng.

Bà Trần Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân do DN còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất và quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng.
Gỡ nút thắt để hợp tác xã của Hà Nội tiếp cận vốn ngân hàng
Hà Nội: Coi trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.