Quản lý, khám chữa bệnh đối với người tâm thần: Đừng để tiếp diễn những sự việc đau lòng

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh khi người tâm thần phạm tội

Nỗi ám ảnh về những vụ án do người tâm thần gây ra dường như khó nguôi ngoai, bởi rất nhiều nạn nhân là người thân, hàng xóm, láng giềng - những người sống gần thủ phạm. Do có bệnh tâm thần, nhiều thủ phạm chỉ phải đi chữa trị bắt buộc, rồi sau một thời gian được trả lại về địa phương khi đã được cho là khỏi bệnh. Nỗi lo về những gì họ gây ra trong quá khứ và việc bệnh của họ có tái phát thực sự gây căng thẳng với gia đình và cộng đồng dân cư sống quanh họ.
-	Cơ quan công an khám nghiệm tìm nguyên nhân
Cơ quan công an khám nghiệm tìm nguyên nhân.

Người mẹ xuống tay hại 2 con gái vào đúng ngày Quốc tế phụ nữ

Đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa qua, một người phụ nữ mang hai con ra sông tự tử tại sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng, Nam Định). Chị Vũ Thị Loan là giáo viên tiểu học ở xã Trực Cường (Trực Ninh, Nam Định). Tháng 9/2022, chị Loan có biểu hiện trầm cảm, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh; Tháng 12/2022, chị có đơn và được trường giải quyết cho nghỉ việc.

Sau đó, Loan được chồng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám. Bệnh viện xác định Loan mắc bệnh “Rối loạn thần cấp và nhất thời”, yêu cầu nhập viện để theo dõi, điều trị nhưng Loan không đồng ý. Bệnh viện kê đơn thuốc điều trị tại nhà, hẹn sau 10 ngày đến khám lại. Sau 10 ngày điều trị, Loan tự thấy biểu hiện bệnh giảm dần nên không đi khám lại.

Đến ngày 6/3/2023, Loan nảy sinh ý định tự tử nhưng lo sợ sau khi mình chết không có ai chăm sóc 2 con gái là cháu T.Th.T. (SN 2018) và T.Th.M. (SN 2021).

Sáng ngày 8/3/2023, Loan điều khiển xe máy chở theo 2 con đi từ nhà đến khu vực bờ đê sông Ninh Cơ. Chờ lúc không có người qua lại, Loan bế 2 cháu đi xuống sông cách bờ khoảng 3 - 4m thì nước ngập đầu cả 3 mẹ con. Do bị sóng đẩy vào trong, Loan bế 2 cháu đi lên bờ, tuy nhiên lúc này 2 cháu đã tử vong.

Theo nhân chứng kể lại, suốt quá trình mọi người cứu vớt hai bé gái, Loan ngồi cúi đầu bên cạnh nhìn ra sông, không phản ứng. Cô không khóc và thỉnh thoảng lại quay ra nhìn con bằng đôi mắt thất thần.

Theo lời kể của chồng Loan, Loan trầm tính, ít nói nhưng hết mực yêu thương chồng con. Cuộc sống gia đình êm đềm trôi qua cho đến khoảng tháng 9/2022, đồng nghiệp và gia đình phát hiện cô có dấu hiệu trầm cảm. Loan không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai và hay ra góc phòng ở trường học ngồi làm việc một mình.

Từ đầu năm 2023, Loan nghỉ hẳn việc dạy học, chồng Loan cho biết có ít thời gian dành cho vợ hơn vì công việc bận rộn, giờ giấc thất thường. Nửa tháng trước khi xảy ra sự việc đau lòng, anh thấy vợ thường xuyên bỏ bữa, mất ngủ, đêm nào cũng nằm nghịch điện thoại. Một ngày trước khi Loan dìm hai con, cả gia đình còn quây quần ăn cơm tối. Chồng Loan dự định, tối 8/3 sẽ mua vịt quay, thịt nướng về chiêu đãi mẹ, vợ và hai con gái để mừng Ngày Quốc tế phụ nữ. Kế hoạch dang dở khi xảy ra việc đau lòng ở bờ sông vào sáng cùng ngày.

Ngày 10/3, đại diện VKSND tỉnh Nam Định cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Thị Loan về tội “Giết người”.

Ngày 10/5/2022, trực ban Công an phường 4, quận 5, TP HCM nhận tin báo về một vụ án xảy ra tại một ngôi nhà trên đường Trần Phú nên đã cử tổ công tác xuống ngay hiện trường. Thời điểm có mặt, tổ công tác ghi nhận thanh niên tên Trần Hồ Hiếu Thịnh, sinh năm 1989, đứng ngay cửa nhà và có biểu hiện bất thường. Bên trong nhà, hai người phụ nữ là mẹ cùng dì ruột Thịnh, một người 73 tuổi và một người 70 tuổi đang nằm bất động trên vũng máu nên lập tức thông báo cho các đơn vị chức năng đến khám nghiệm.

Trước thời điểm xảy ra vụ việc có nghe tiếng la hét của 2 bà, nhưng nhiều người nghĩ đây là chuyện thường xảy ra bởi Thịnh bị bệnh tâm thần phân liệt nên không ai đến xem sao. Nhận định có thể trong lúc bệnh tình trở nặng, trong đầu xuất hiện ảo giác, Thịnh đã gây ra vụ việc trên nên Công an quận 5 đưa đối tượng về trụ sở công an để làm rõ. Lúc đầu, Thịnh la hét, chửi bới lung tung, nhưng sau khi được cho uống thuốc, cơn ảo giác lắng xuống, Thịnh run rẩy nói rằng mình đã giết mẹ và dì.

Chuyện cũ ám ảnh muốn quên mà không được

Cách đây 15 năm, một vụ án rúng động đã xảy ra tại thôn Cốc Sáng (xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Một cháu bé 6 tuổi đã bị gã tâm thần xẻ ra làm nhiều mảnh, phần đựng trong xô, phần được chôn dưới đất, phần được gã nấu lên… ăn.

Sự việc kinh hoàng xảy ra vào chiều ngày 18/1/2008. Là hàng xóm của nhau nên bé D. thường xuyên sang chơi với bé gái cháu ruột của Hà Văn Pẩu. Không biết từ đâu, Pẩu lững thững bước vào. Hắn lượn đi lượn lại mấy vòng sau lưng rồi bất ngờ túm tóc bé D. dùng mặt sau của con dao quắm đánh mạnh vào gáy khiến cô bé ngất lịm. Thấy người chú nổi cơn điên, đứa cháu gái hốt hoảng chạy thục mạng đến báo cho bố là anh ruột của Pẩu. Còn Pẩu túm tóc bé gái 6 tuổi nhấc lên và mang vào nhà, miệng lẩm bẩm như chửi bới ai đó. Người anh của Pẩu chạy đến cứu cháu D. cũng bị Pẩu chém vào đầu, tay.

Cả làng rúng động, một nhóm người nhanh chóng đưa người anh bị chém đi cấp cứu tại bệnh viện, còn lại kéo đến nhà Pẩu. Lúc này, Pẩu đã đóng kín cửa, tay cầm con dao, miệng thách thức cả làng. Nhận thấy sự việc cực kỳ nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã báo cho lực lượng Cảnh sát 113 công an tỉnh Lạng Sơn tới để giải cứu bé gái, vây bắt thủ phạm.

Đến khoảng 9h tối, biết mình bị bao vây, nhưng Pẩu vẫn ngoan cố trốn trong nhà, vừa chửi bới vừa thách thức sẽ chém chết nếu ai dám bước vào nhà. Biết không thể thuyết phục được gã, phương án cuối cùng được thực hiện: Hàng chục chiến sĩ công an áp sát ngôi nhà vừa xịt hơi cay, vừa ném lựu đạn khói nhằm khiến Pẩu bất tỉnh. Nền nhà trắng xoá bởi hơi cay, thế nhưng tên Pẩu chưa đầu hàng. Hắn lồng lộn, tay cầm con dao, rồi dùng hết sức mình đạp cửa chạy thoát ra ngoài.

Những cán bộ chiến sĩ tham gia vụ án và những người chứng kiến cảnh tượng trong ngôi nhà của Pẩu hôm đó không ai là không khóc. Họ khóc vì biết cố gắng giải cứu cháu bé của họ cuối cùng đã thất bại, vì thương bé gái 6 tuổi phải chịu một cái chết đớn đau. Sau khi trốn thoát vào rừng sâu, không chịu được cảnh đói rét, khoảng gần 9h sáng hôm sau Pẩu tự quay trở về bản. Một người dân đã nhanh chóng báo cho công an canh trực. Sau một hồi vật lộn, công an đã tóm được tên Pẩu.

Tại cơ quan công an, Pẩu có biểu hiện tâm thần và khai lung tung. Ngày 24/8/2008, Toà sơ thẩm xử bị cáo Hà Văn Pẩu mức án tử hình về tội giết người. Sau đó, bị cáo có đơn kháng cáo nên ngày 30/9/2008, Toà phúc thẩm mở phiên toà hình sự phúc thẩm. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy cần đưa bị cáo đi giám định pháp y tâm thần để đảm bảo cho việc xét xử. Hà Văn Pẩu được đưa đến Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương để theo dõi giám định.

Sau một thời gian theo dõi, cơ quan chức năng nhận thấy bị cáo Pẩu có tư duy lộn xộn, có hoang tưởng bị hại, cảm xúc hành vi rối loạn. Cơ quan chức năng kết luận, bị cáo Hà Văn Pẩu bị bệnh tâm thần phân liệt Paranoid, hành vi phạm tội của bị cáo là do bệnh lý chi phối. Lục lại hồ sơ, người ta cũng thấy trước khi gây ra vụ án giết người ăn thịt kinh hoàng, Pẩu đã từng 2 lần đi Viện tâm thần trung ương. Lần 1 vào viện ngày 20/5/1999, ra viện ngày 19/8/1999. Lần 2 vào viện ngày 1/4/2000, ra viện ngày 10/8/2000.

Một năm rưỡi sau ngày xảy ra vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn rút quyết định truy tố Hà Văn Pẩu với lí do khi thực hiện tội phạm, Pẩu mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Cuối năm 2009, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Hà Văn Pẩu, đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín, Hà Nội) chữa trị đến khi nào khỏi bệnh.

Chuyện cũ muốn quên mà không được. 4 năm sau ngày xảy ra vụ án, vào tháng 10/2011, gã tâm thần sát nhân Hà Văn Pẩu được thả về làng sau khi được kết luận đã khỏi bệnh. Những câu chuyện đau lòng đặt ra vấn đề: Phải quản lý, chữa bệnh cho người tâm thần như thế nào để xã hội không còn những bi kịch như đã xảy ra?

Phát bệnh tâm thần, nam thanh niên vác dao tấn công người thân
Nghiện rượu, mắc chứng tâm thần nhưng không thoát tội... “Giết người”

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.