Nhóm tín dụng đen cho vay với lãi suất gần 200%/năm đối diện với mức hình phạt nào?

Vừa qua, một ổ nhóm tín dụng đen cho vay với mức lãi suất gần 200%/năm, cao gấp nhiều lần so với mức quy định cho phép đã bị lực lượng CA quận Hà Đông, Hà Nội triệt phá. Liên quan đến việc xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, nhiều người cũng thắc mắc liệu khung hình phạt cho tội danh này có đủ sức răn đe không mà vì sao vẫn có nhiều người vi phạm.
Nhóm đối tượng điều hành đường đây tín dụng đen
Nhóm đối tượng điều hành đường đây tín dụng đen

“Chát” với mức lãi suất vay gần 200%/năm

Vừa qua, CA quận Hà Đông, Hà Nội đã triệt phá thành công ổ nhóm tín dụng đen cho vay lãi gần 200%/năm, hoạt động tại 11 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, CQCA đã tạm giữ các đối tượng gồm Trần Trường Anh (SN 1994), Ngô Gia Quý (SN 1994, cùng trú tại Thanh Trì, Hà Nội), Bùi Xuân Tùng (SN 2000, quê Phú Thọ) và Nguyễn Thanh Giang (SN 1984, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, có 1 tiền án về tội Trộm cắp tài sản) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tang vật thu giữ gồm 4 điện thoại di động, 1 máy tính và nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, từ năm 2022, bắt đầu hoạt động kinh doanh tài chính dưới hình thức cho vay “bốc bát họ” với lãi suất cao. Cụ thể, với hình thức cho vay “bốc bát họ” các đối tượng quy định tỷ lệ 10 ăn 8, cắt lãi trước, trả trong vòng 50 ngày (ví dụ, khách vay 10.000.000 đồng, sẽ nhận về 8.000.000 đồng, cắt lãi trước 2.000.000 đồng), lãi suất từ 146% đến 182%/năm. Các đối tượng phân công nhiệm vụ, cùng nhau đi tìm khách vay, kiểm tra thông tin khách, làm thủ tục cho khách vay tiền và nhắc khách đóng tiền hàng ngày.

Sơ bộ điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, các đối tượng này đã cho nhiều khách vay tiền, trải đều ở 11 quận, huyện, thị xã của Hà Nội như: Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Hoài Đức, Sơn Tây với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Cho vay nặng lãi có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Nguyễn Văn Phú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, theo quy định, các đối tượng trong trường hợp nêu trên nhiều khả năng có thể bị xử lý Hình sự. Bên cạnh đấy, còn xét đến trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản... tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nhóm lừa đảo bằng hình thức đổi ngoại tệ đối mặt với mức phạt nào?
Cho “bốc bát họ” với lãi suất gần 200%/ năm, 5 thanh niên bị bắt

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.