Tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam

Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ thực thi từ năm 2024. Đây là chương trình hành động chống “xói mòn” thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu với sự tham gia của 141 quốc gia. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp nhằm ứng phó kịp thời để tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI.
Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực
Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực

Phải có những thích ứng kịp thời từ phía các cơ quan chức năng

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, đến nay đã có 141 quốc gia đồng thuận. Theo quy tắc này, các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Như vậy, khi các Cty này đi đầu tư ở nước ngoài nhưng nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước cư trú, nơi Cty có trụ sở chính.

Tại cuộc họp: “Đánh giá tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu tới thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,” được tổ chức vừa qua, ông Đỗ Văn Sử, Phó tổng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, khó lường. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển kinh tế và thu ngân sách của hầu hết các nước. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các mô hình kinh tế mới đã cho phép các DN đa quốc gia tận dụng những “kẽ hở chính sách” để tránh nghĩa vụ thuế thông qua việc chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp, thực hiện hoạt động chuyển giá.

Theo ông Đỗ Văn Sử, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực: Mức thuế suất phổ thông: 20% (cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu); thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Vì vậy, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập DN sẽ không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Mặt khác, quy tắc này cũng tác động tới việc quản lý đầu tư nước ngoài đối với các DN hiện hữu. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để luật hóa các quy tắc đồng thời ban hành các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới.

Cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được thực hiện

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, các ý kiến một mặt đề xuất các kiến nghị giải pháp tài chính bù đắp các khoản thuế dự kiến tăng thêm khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu đi vào thực thi. Mặc khác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhấn mạnh đến vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và việc cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được thực hiện, để từ đó tiết giảm chi phí cho DN và điều này tương đương các ưu đãi về thuế.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ thường cân nhắc tới những ưu đãi thuế thu nhập DN. Việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ít nhiều sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của DN tại Việt Nam. Vì vậy, nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang rất quan tâm tới những cân nhắc của Việt Nam trong áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Còn ông Thomas McClelland, Phó Tổng GĐ phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về áp dụng thuế suất tối thiểu nội địa để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Mặt khác, cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ các DN đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, Chính phủ cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi, làm cơ sở xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo ông Hiếu, chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh toàn cảnh về tác động của chính sách mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp. Khi các chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng, chúng ta phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ít rủi ro, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao các đề xuất, khuyến nghị của các tổ chức, DN và chuyên gia với Việt Nam. Trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp kịp thời và phù hợp để góp phần hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Theo ông Kim Jin Seong, Phó Tổng GĐ phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Dựa trên thuế này, Việt Nam có thể xây dựng cơ chế thu hút đầu tư mới để hỗ trợ các DN đầu tư vào Việt Nam.
2 tháng đầu năm Việt Nam hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD
Mexico giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam
Hà Nội: Triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.