Bất ngờ trước nhiều doanh nghiệp "đại bàng" Mỹ muốn "làm tổ" ở Việt Nam

Nhiều năm trước đây, hàng Mỹ xúc tiến thường nhắm vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Nhưng hiện nay Việt Nam là thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng nhất với sự phát triển kinh tế ổn định. Ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, một số quốc gia trong khu vực trước thấy “phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam” và nay thấy Việt Nam là điển hình về tăng trưởng, cơ hội.
Bất ngờ trước nhiều doanh nghiệp

Hàng loạt doanh nghiệp "đại bàng" Mỹ muốn làm tổ ở Việt Nam.

Đại bàng" Mỹ: Đây là thời điểm để chinh phục thị trường Việt Nam

Ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, Việt Nam tăng trưởng cao bất chấp những khó khăn sau đại dịch COVID-19 là một trong những lý do quan trọng thu hút doanh nghiệp Mỹ. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bất ngờ trước sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Ông Osius cũng nhận định đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng và tính đến năm 2022, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

Theo ông Ted Osius, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng giữa hai bên để hợp tác. Trong đó, có việc sẵn sàng đa dạng hóa chuỗi cung ứng về vấn đề an ninh, quốc phòng và các vấn đề khác của nền kinh tế.

Trong khi đó, ông James Ollen - Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam tại TP HCM cho hay: Trong mắt các nhà đầu tư Mỹ, Việt Nam là điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Vì vậy, Việt Nam đang là thị trường tiêu dùng bùng nổ, với thị trường hạng sang và tầng lớp trung lưu rộng tăng nhanh, sẵn sàng chi tiêu cao. Đây đang là một điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp và trở thành trung tâm khởi nghiệp năng động nhất châu Á. Đồng thời, cũng là điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ông James Ollen cho biết thêm, các doanh nghiệp luôn mong muốn mở rộng các khoản đầu tư kinh doanh của mình tại Việt Nam và yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và sắp xếp hợp lý.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, quan hệ thương mại giữa hai nước cũng khá sôi động. Theo Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Susan Burns, năm 2023 cả hai nước chào mừng 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, thương mại nông nghiệp song phương của hai quốc gia đã tăng gấp đôi từ hơn 4 tỷ USD năm 2011 lên gần 10 tỷ USD năm 2022 và đang tiếp tục ghi nhận những dấu mốc mới.

Nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ được đón nhận và tăng trưởng bất ngờ như blueberry, táo, nho, cam...

Ông Lawrence D. Bushnell - Chủ tịch Công ty Gratia Dei Seafoods (bang Alaska) cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp Mỹ dành sự quan tâm nhiều cho Việt Nam như hiện nay.

Ngay trong ngày đầu tiên làm việc của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng, về chất bán dẫn, thực phẩm, nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính và ngân hàng, y tế, năng lượng sạch, quốc phòng, hàng không vũ trụ, du lịch và hậu cần.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng: Các cơ quan Việt Nam sẵn sàng làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ để giải quyết các vấn đề, góp phần vào sự thịnh vượng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước. Việc phái đoàn lớn các doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam cũng được cho là một trong những dấu hiệu của làn sóng chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp Mỹ sang ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.

Các "đại bàng" nói gì về Việt Nam?

Được biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, có 52 công ty Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Boeing, Apple, Meta, Pfizer, SpaceX, Amazon Web Services, Apple, Bay Global Strategies, Bell...

Năng lượng sẽ tiếp tục chiếm vị trí trọng tâm trong các cuộc thảo luận của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN với Chính phủ Việt Nam. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Đại diện Meta cho biết, nền kinh tế Việt Nam thực sự chuyển đổi và có điểm mạnh về chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam cũng là quốc gia mà đại diện tập đoàn này tin “vào tương lai phát triển”. “Chúng tôi tin vào một tương lai cực kỳ sáng lạn”.

Trong khi đó, Tập đoàn Boeing cho biết họ quan tâm tới lĩnh vực hàng không bền vững. Các cuộc thảo luận tới sẽ tập trung vào các cách khử cacbon cho ngành hàng không, mang lại hiệu quả hoạt động và con đường tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo với trọng tâm là nhiên liệu hàng không bền vững và công nghệ tiên tiến.

Ông Squall Wang - Giám đốc điều hành UPS Việt Nam nói: Đã và đang kết nối các doanh nghiệp tại Việt Nam với khách hàng và các cơ hội trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua. Chúng tôi tự hào góp phần sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách và đối tác trong toàn ngành logistics để phát huy những thành tựu đã đạt được và tạo ra một môi trường giao thương đem đến sự tăng trưởng bền vững, cùng có lợi cho tất cả mọi người trong dài hạn” - ông Squall Wang nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, một số quốc gia trong khu vực trước thấy “phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam” và nay thấy Việt Nam là điển hình về tăng trưởng, cơ hội. Rất nhiều sự quan tâm từ phía doanh nghiệp Mỹ.

Ông Ted Osius - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nói và tiết lộ, nhiều công ty Mỹ trước chưa quan tâm đầu tư thì bây giờ cũng quan tâm hơn trước sự tăng trưởng của Việt Nam. "Chưa bao giờ chúng tôi bận như bây giờ".

Ngoài ra, ông Michael W. Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao của Hội đồng kiêm Giám đốc điều hành khu vực - nói thêm, đại dịch dẫn đến tăng nhu cầu về số hoá, mở rộng cho sự quan tâm của Mỹ đến Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng tăng lên sau đại dịch.

Việt Nam cần thêm 368 tỷ USD cho tăng trưởng xanh
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong năm 2023
Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.