Hà Nội thanh tra 20 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Chiều 20/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, Công an Hà Nội tổ chức công bố quyết định thanh tra đối với nhiều đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn.
Đại diện các đơn vị nợ đóng BHXH (bên trái) ký nhận quyết định công bố thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Đại diện các đơn vị nợ đóng BHXH ký nhận quyết định công bố thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội.

Thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành

Theo đó, đợt này, liên ngành sẽ thanh tra 20 doanh nghiệp với các nội dung: Chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); tình hình sử dụng lao động; số tiền chậm đóng và việc chốt sổ BHXH cho người lao động. Thanh tra liên ngành sẽ chia làm 3 đoàn thanh tra các đơn vị chậm đóng BHXH.

Cụ thể, Đoàn 1 thực hiện thanh tra tại 7 đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí và Tự động hóa Công nghiệp; Công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Việt Sing; Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Điện chiếu sáng Việt Nam; Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long; Công ty Cổ phần Giải pháp Sinnovasoft; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển ACOBA An Bình; và Công ty Trách nhiệm hữu hạn House 3D.

Đoàn 2 sẽ thực hiện thanh tra tại 6 đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thời trang Hải Đăng; Công ty Cổ phần Toàn Phong; Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Sunflower; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phát triển nhà Vạn Xuân; và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư An Thịnh.

Đoàn 3 thực hiện thanh tra tại 7 đơn vị: Công ty Cổ phần Cơ khí Vận tải 1-5; Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Toàn Cầu; Công ty Cổ phần Nội thất Vĩnh An; Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Quốc Bảo; Công ty Cổ phần Xây dựng và Tư vấn MT Hoàng Huy; Công ty Cổ phần Đầu tư BKG Việt Nam; và Công ty Cổ phần Xây dựng Số 1 Sông Hồng.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra không quá 2 ngày làm việc, tại mỗi đơn vị.

Phát biểu tại lễ công bố các quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Võ Thị Ngọc Yến cho biết, cả 20 đơn vị được công bố thanh tra đều có sai phạm về việc chậm đóng BHXH. Sau khi công bố, các đơn vị nếu không chủ động khắc phục số tiền chậm đóng, đoàn thanh tra sẽ lập biên bản để xử lý sai phạm.

Theo bà Yến, với số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các đơn vị, doanh nghiệp cần hoàn thành dứt điểm 100%, không có chuyện khắc phục dần từng phần như trước đây.

"Trong năm 2023, không chỉ với 20 doanh nghiệp này mà liên ngành thành phố tiếp tục rà soát, thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm, không để tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra kéo dài" - bà Yến nói.

Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định "phải đưa vào quỹ đạo, nền nếp việc đóng BHXH". Cơ quan sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Theo Chánh Thanh tra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Võ Thị Ngọc Yến, nhìn chung các đơn vị trong danh sách thanh tra đều có sai phạm về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi công bố, các đơn vị nếu không chủ động khắc phục số tiền chậm đóng, Đoàn thanh tra sẽ lập biên bản để xử lý theo quy định.

Công khai các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH

Thống kê của BHXH TP Hà Nội cho thấy, số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH trong thời gian gần đây liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2017, con số này là 9,7 nghìn tỷ đồng, năm 2019 trên 10 nghìn tỷ đồng, năm 2020 là 11,6 nghìn tỷ đồng thì tính đến cuối tháng 1/2023 đã là gần 26 nghìn tỷ đồng.

Chỉ riêng tại Hà Nội, cộng dồn đến thời điểm hết tháng 2/2023, các cơ quan chức năng TP Hà Nội vẫn ghi nhận 87.000 đơn vị chậm đóng BHXH với tổng số tiền là 5.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.552 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022.

Trong đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi hiện nay là gần 1.875 tỷ đồng, bằng 2,92% so với tổng số tiền cần thu; chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.716 tỷ đồng, bằng gần 31% tổng số nợ hiện hữu…

Một trong các giải pháp được các cơ quan BHXH áp dụng hiện nay để thu hồi số nợ trên là công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo các chuyên gia đánh giá, nếu không nhanh chóng đồng bộ luật pháp để xử lý hành vi trốn đóng BHXH, số doanh nghiệp chây ì sẽ tiếp tục tăng, số lao động chịu thiệt thòi khi không được hưởng chế độ sẽ không dừng lại và niềm tin vào hệ thống an sinh - xã hội sẽ bị lung lay.

Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung một số biện pháp theo hướng tăng cường xử lý trốn đóng BHXH như ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Dự kiến tháng 10/2023 tới đây, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Về việc đại diện nhiều doanh nghiệp trình bày gặp khó khăn, số tiền chậm đóng là tiền tính lãi từ những năm trước nên mong muốn dừng thanh tra hoặc giảm được tiền lãi chậm đóng BHXH…, ông Chu Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra, BHXH TP Hà Nội cho biết hiện nay chưa có quy định về việc giảm lãi, khoanh nợ đối với các đơn vị chậm đóng BHXH. Không những thế, các đơn vị chậm nộp BHXH còn phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, tại Điều 214, 216 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định về việc phạt tiền, phạt tù đối với tội gian lận BHXH, BHTN và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Thanh tra 33 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu
Tăng cường thanh tra doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.