Hạ rào công viên và câu chuyện ý thức, công tác quản lý

Tính đến thời điểm này, tại Hà Nội có công viên Thống Nhất và Cầu Giấy đã được tháo bỏ rào chắn nhằm tạo không gian mở, giúp người dân tiếp cận với khu vực cảnh quan bên trong được dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi hạ rào, hai công viên trở nên lộn xộn, xuất hiện tình trạng xả rác bừa bãi, phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ, vỉa hè bao quanh bị chiếm dụng.
Chủ trương hạ rào công viên lớn của Hà Nội đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của ban ngành các cấp của TP Hà Nội, đặt lợi ích của người dân là trung tâm mọi hoạt động				 Ảnh: Khánh Huy
Chủ trương hạ rào công viên lớn của Hà Nội đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của ban ngành các cấp của TP Hà Nội, đặt lợi ích của người dân là trung tâm mọi hoạt động. Ảnh: Khánh Huy

Những hình ảnh lộn xộn, thiếu ý thức

Công viên Cầu Giấy có diện tích khoảng 6.500m2, bao gồm hệ thống cây xanh, hồ nước, khu vui chơi trẻ em, quảng trường. Nơi đây được ví như lá phổi xanh nằm giữa hàng loạt tòa nhà chọc trời tại Cầu Giấy. Theo ghi nhận, tại công viên Cầu Giấy, khu vực vỉa hè xung quanh công viên bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe, bán hàng. Đoạn hàng rào được tháo dỡ, mở toang để người dân có thể ra, vào công viên dễ dàng hơn. Thế nhưng, người dân lại gặp khó khi bị loạt xe ôtô đỗ trên vỉa hè chắn ngang.

Cùng với đó là tình trạng xả rác bừa bãi, nguy cơ mất an toàn và vệ sinh môi trường khi chó thả rông, không đeo rọ mõm thường xuyên xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân tập thể dục cũng như khách đến thăm. Đoạn hàng rào được tháo dỡ, mở toang để người dân có thể ra vào công viên dễ dàng hơn nhưng lại tạo thành các đường mòn, lối mở làm chết đi mặt cỏ xanh tốt được trồng trước đó và nhân viên bảo vệ không kiểm soát được.

Ngoài việc vỉa hè xung quanh bị chiếm dụng, bán hàng, Công viên Cầu Giấy hiện nay cũng có một số hạng mục xuống cấp. Khá nhiều gạch nứt vỡ ở các lối đi. Thảm cỏ nhân tạo ở khu vực vui chơi của trẻ em bị bong sờn, hư hỏng, xuống cấp, mất thẩm mỹ, có thể khiến trẻ nhỏ dễ vấp ngã, trơn trượt.

Vào cuối năm 2022, Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất đã tổ chức hạ hàng rào tuyến đường Trần Nhân Tông với chiều dài tuyến là 396m, bao gồm 29 trụ bê tông xây gạch và 62 khoang hàng rào trụ thép và 30,5 phên hàng rào. Việc hạ rào nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, hiện nay bên trong công viên Thống Nhất có nhiều xe máy vẫn vô tư đi lại, đi thẳng từ ngoài đường vào công viên. Cùng đó là những dãy xe ô tô xếp dãy dài tạo nên cảnh lộn xộn, thoạt nhìn qua ai cũng nghĩ đây là địa điểm trông giữ xe hơn là công viên. Việc này ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người đi bộ, vui chơi, đồng thời, ảnh hưởng tới chất lượng duy tu, duy trì cây hoa, cỏ trong công viên. Cùng tình trạng như ở công viên Cầu Giấy, công viên Thống Nhất cũng chịu cảnh một số người dân xả rác bừa bãi ở thảm cỏ, dắt chó không rọ mõm đi khắp nơi.

Chủ trương hạ rào công viên lớn của Hà Nội triển khai giai đoạn 1 ở công viên Thống Nhất và Cầu Giấy đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của ban ngành các cấp của TP Hà Nội, đặt lợi ích của người dân là trung tâm mọi hoạt động. Tuy nhiên, với những bất cập hiện hữu, rất nhiều cái lắc đầu phiền lòng về sự thiếu ý thức của người dân khi sử dụng không gian công viên. Vì thế, hơn lúc nào tăng cường năng lực quản lý của cơ quan chức năng cần được thể hiện rõ ràng hơn nữa để việc thí điểm không uổng phí, để những lần triển khai tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.

Cần xây dựng lộ trình, kịch bản đầy đủ để đảm bảo về quản lý đô thị cho việc hạ rào

Như các chuyên gia đã phân tích, Cty chủ quản cần sớm hoàn thiện và thực hiện đề án cải tạo, nâng cấp công viên, tiến tới mở rào hoàn toàn càng sớm càng tốt. Trong đó, cần phân định rõ từng khu vực chức năng: bãi để xe, khu giải trí, khu vực nhà hàng dịch vụ… tránh lộn xộn, nhếch nhác. Cùng với đó cần đánh giá hoạt động thường xuyên và yêu cầu trả mặt bằng nếu sử dụng không hiệu quả. Chú trọng quản lý việc xã hội hóa các dịch vụ để có thêm kinh phí đầu tư cho hoạt động của công viên, công khai, minh bạch để người dân giám sát, tránh thất thu, tiêu cực.

Các hạng mục cần sớm được sửa chữa, nâng cấp, nhất là các trò chơi, để du khách không khỏi bất an với hình ảnh thiết bị rỉ sét. Một công trình rất thiết thực khác là hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng cần được tăng cường cả số lượng và chất lượng. Du khách sẵn sàng trả phí để sử dụng dịch vụ chất lượng, nên việc duy trì nhà vệ sinh sạch sẽ có thu phí hợp lý sẽ góp phần phục vụ tốt hơn và hạn chế tình trạng phóng uế bừa bãi.

Cùng với đó, việc duy trì lực lượng giám sát là vô cùng cần thiết để ngăn chặn vi phạm. Một công viên rộng tới hàng chục hecta mà chỉ có vài đồng chí công an phường đứng chốt, dăm ba nhân viên bảo vệ đi tuần tra, nhắc nhở thì việc xử lý vi phạm chỉ như “muối bỏ bể”. Do vậy, cần tăng quân số, tăng mức đãi ngộ gắn với trách nhiệm cho nhân viên an ninh, lực lượng bảo vệ. Khi gặp các trường hợp vi phạm, nhắc nhở chứ chưa cần xử phạt thì đa phần người dân sẽ chấp hành. Còn với những trường hợp cố tình vi phạm thì lực lượng bảo vệ cần phối hợp chính quyền địa phương để xử phạt nghiêm, tạo tính răn đe.

Bên cạnh lực lượng an ninh thì việc tăng cường các biển bảng chỉ dẫn cũng rất quan trọng. Những tấm biển tuyên truyền quy định pháp luật, các chế tài xử phạt được lắp đặt ở nhiều vị trí thay vì chỉ một vài biển bảng ở cổng vào như hiện nay, cộng với hệ thống camera theo dõi sẽ có tác động nhất định đến ý thức người dân.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần xây dựng lộ trình, kịch bản đầy đủ để đảm bảo về quản lý đô thị cho việc hạ rào, tăng không gian xanh cho các công viên. Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân rất quan trọng. Cơ quan Nhà nước không thể đủ ngân sách bố trí bảo vệ túc trực ngày đêm ở các không gian mở này. Để giải quyết bài toán đó cần phải phân cấp, ủy quyền cho địa phương, cho chính cộng đồng dân cư, tổ dân phố. Cùng với việc vận động Nhân dân có ý thức hơn không gian công cộng, vì lợi ích chung của toàn xã hội thì cũng cần có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, công viên cần có quy hoạch chi tiết, làm cơ sở đầu tư xây dựng và quản lý. Có thể thay hàng rào cứng bằng hàng rào “mềm” bằng việc trồng cây, tăng cường nhiều chỗ ra vào để người dân dễ dàng tiếp cận. Những chỗ chênh độ cao giữa đường giao thông và công viên có thể làm bậc lên xuống. Khi chúng ta chưa có hạ tầng trong công viên hoàn chỉnh, chúng ta đã mở ra như thế thì tình trạng lộn xộn là điều dễ hiểu. Để giải quyết việc này thì chỉ bằng cách nhanh chóng thực hiện dự án đã có. Rất cần đơn vị chủ quản, hoặc công viên thuộc phường nào thì nên giao trách nhiệm cho phường đó, họ quản lý về trật tự, an toàn xã hội.
Chính thức gỡ rào, dừng hoạt động thu bán vé tại Công viên Thống Nhất

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.