Tìm giải pháp cho xuất khẩu

Theo mục tiêu mà Bộ Công Thương đưa ra, trong năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng khoảng 6% so với năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, XK hàng hóa của Việt Nam năm 2023 sẽ còn là một ẩn số khó lường trước thị trường thế giới có những diễn biến khó đoán định.
Tìm giải pháp cho xuất khẩu

Liên minh châu Âu sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa XK. Ảnh minh hoạ

Để đạt được mục tiêu đề ra cho hoạt động XK, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải có các chính sách điều hành phù hợp, ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường.

Liên minh châu Âu sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa XK

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường XK lớn suy yếu, bức tranh XK hàng hóa 2 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam cho thấy thiếu vắng các đơn hàng XK, hoạt động thương mại của nước ta tiếp tục chậm lại.

Điển hình, giá XK bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái; giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, giá cao su giảm 20,6%. Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm khá mạnh, như: Phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%...

Đáng chú ý, nhóm các mặt hàng XK “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ...

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch XK giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Thực trạng XK và nhập khẩu sụt giảm trong quý IV/2022 đã cho thấy các doanh nghiệp XK thiếu hụt đơn hàng mới, dẫn tới không nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và XK của năm 2023.

Một góc độ cần chú ý trong hoạt động XK cho các doanh nghiệp đó là đề cập tới yêu cầu bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn xanh hóa các sản phẩm từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, buộc những doanh nghiệp gia công, sản xuất, XK của Việt Nam cần phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu này.

Dẫn chứng cho cảnh báo này, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề cập tới việc Liên minh châu Âu sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa XK sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Đây là yếu tố rất mới, tác động lớn vào tính cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý, nghiên cứu và có giải pháp xử lý.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, trong năm 2023, áp lực về nguyên liệu sẽ giảm bớt do Trung Quốc mở cửa trở lại, song đơn hàng sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp do tình hình kinh tế thế giới nói chung, các thị trường XK chủ lực của Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng XK năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Chuyển mạnh sang XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy XK bền vững.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử. Nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chú trọng phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân.

Đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi FTA của các doanh nghiệp

Mục tiêu mà Bộ Công Thương đưa ra cũng sẽ hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững. Đồng thời tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp: Trong hoạt động xúc tiến thương mại cần phương châm giữ vững thị trường truyền thống nhưng phải phát triển được những thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á như: Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ la tinh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm cơ hội nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và tận dụng được những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, cùng với đó là sự linh hoạt xây dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm sẽ là chiếc “chìa khóa” giúp doanh nghiệp có thể phát triển bền vững thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

Đứng ở góc độ chuyên gia ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Đã đến lúc cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, theo ngành nghề ra sao...

Bên cạnh đó, cần phải tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi rõ ràng hiện nay vẫn còn có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các FTA.

Để các oanh nghiệp tiếp cận tốt Hiệp định tự do thương mại, các Bộ ngành nên thiết lập Chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho ý kiến: Lợi thế từ FTA, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, có thể là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các DN Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường này.

Trong đó, tập trung đánh giá công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; và cấp phép và quản lý đầu tư).

Đánh giá tình hình thực thi FTA của doanh nghiệp (đặc biệt là về mức độ hiểu biết, khả năng tận dụng, ảnh hưởng của các FTA, các lực cản trong thực thi FTA của doanh nghiệp).

Hiện Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định FTA đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh), đây là những hiệp định rất quan trọng.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong năm 2023
Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản
Xuất khẩu công nghệ số còn nhiều dư địa

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.