Tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển bền vững

Thị trường bất động sản (BĐS) vừa đón nhận tin vui khi cuối tuần vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mục tiêu của Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Nghị quyết 33/NQ-CP được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS bớt khó khăn
Nghị quyết 33/NQ-CP được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS bớt khó khăn

Những vướng mắc, điểm nghẽn sẽ sớm được khơi thông

Nghị quyết đã nêu rõ, thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và tác động đến nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế. Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để thúc đẩy thị trường BĐS.

Nghị quyết đã đánh giá chính xác, "bắt đúng bệnh" của thị trường BĐS hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm của các DN BĐS. Đó là phải ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu giá cả, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng chia sẻ, Chính phủ đang rất quan tâm để điều chỉnh tất cả hệ thống tài chính, trong đó hệ thống ngân hàng, có hoạt động tín dụng, để người dân có thể ở mua nhà ở, từ đó khai thông được thị trường BĐS. Ông Hiếu cho rằng, chính phủ nên đưa ra một cái chương trình hoãn nợ, cho phép tất cả các nhà phát hành hoãn nợ trong vòng từ một cho đến hai năm.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyễn Văn Đính, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của Chính phủ với nhiều quan điểm và mục tiêu cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. các tỉnh, TP cần khẩn trương có kết luận về dự án BĐS đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để sớm được tiếp tục triển khai, nhất là dự án lớn, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhu cầu cho thuê BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch. Với quan điểm, mục tiêu rõ ràng, dứt khoát của Nghị quyết số 33/NQ-CP, chúng tôi tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại.

Động lực phát triển nhà ở xã hội

Tăng thanh khoản, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết 33. Trong đó, nghị quyết đề xuất triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. 4 ngân hàng đã thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng (mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Nhận xét về gói tín dụng dành cho BĐS, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó GĐ Học viện Ngân hàng nhận xét, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là một trong những giải pháp có thể hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh hơn của thị trường BĐS. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tín dụng phải hướng tới phân khúc an toàn của thị trường BĐS như: nhà ở xã hội, nhà cho công nhân ở khu công nghiệp, hoặc những dự án đảm bảo tính pháp lý tốt và có tính thanh khoản và giá cả phù hợp với thị trường. Đồng thời những dự án đó chủ đầu tư có tình hình tài chính tốt mới đáp ứng nhu cầu để vay được gói tín dụng này.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay các DN cần phải tự cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường; nhất là trong bối cảnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp đang có nhu cầu lớn. Đặc biệt, các DN bất động sản cần “ghé vai,” chung sức phát triển để thị trường sớm phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững.

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế bởi đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường BĐS. Dư địa về cải cách thể chế, pháp lý là rất lớn, cho nên đây là vấn đề cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. TS Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần rà soát toàn bộ dự án BĐS đang thực hiện để tìm ra được những dự án tốt và khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai dự án do vướng mắc về thủ tục hành chính.
Giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.