Bùng nợ qua app vay tiền “đen”: “Trăm cái dại, tại cái tham”

Với các dịch vụ cho vay tiền qua app, nhiều con nợ vẫn đinh ninh rằng với sự nở rộ và có phần lỏng lẻo sẽ tạo ra cơ hội “bùng” nợ. Nhưng thực tế, những chiêu trò khiến người nhẹ dạ phải đối mặt với nhiều hệ lụy.
Việc cho vay dễ dàng của các app cũng tạo điều kiện cho người vay “bùng” nợ
Việc cho vay dễ dàng của các app cũng tạo điều kiện cho người vay “bùng” nợ

Tư duy “không làm mà vẫn có ăn”

Hiện tượng các hội nhóm "bùng" app vay tiền mọc lên tràn lan trên mạng xã hội là một thực trạng đáng buồn của xã hội. Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người tham gia các hội nhóm này để tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm "bùng" nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app” sẽ cho một loạt những hội nhóm kín, mở với hàng chục nghìn thành viên hướng dẫn cách “bùng” tiền vay qua ứng dụng.

Theo đó, trong những hội nhóm này như làm CMND/CCCD giả, nhận “cày” ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả, nhận gọi điện trấn an người thân... Với CMND giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân.

Cũng từ đó, ngày càng nhiều con nợ có ý định vay tiền qua app rồi "bùng" mà bất chấp những hệ lụy về sau như người thân, bạn bè bị làm phiền, đe dọa. Mặt khác, bên trong các hội nhóm bày cách "bùng" nợ app cũng tiềm ẩn những chiêu trò để lừa bịp người nhẹ dạ. Đã có trường hợp do quá túng quẫn, nghe theo những lời... rồi mất tiền vì trả phí cho "dịch vụ tư vấn bùng app" mà không vay được đồng nào.

Bùng nợ qua app vay tiền “đen”: “Trăm cái dại, tại cái tham”
Các hội "bùng" app nở rộ với hàng chục nghìn thành viên

Một cán bộ thuộc Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, CA TP Hà Nội cho biết, hiện nay hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Việc vay tiền qua app có ưu điểm là rất thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ.

Theo vị này, cả hai hành vi cho vay nặng lãi và "quỵt tiền" vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, những người kích động, xúi giục, “vẽ đường chỉ lối” cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm”, vị này nói.

Trả giá đắt với hành vi "bùng" nợ

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong quy định hiện nay có quy định về thời hạn đòi nợ. Đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết.

Mặt khác, chuyên gia luật cũng cho biết, hiện nay, nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nên khi các app không đòi, chủ nợ có thể bán khoản nợ hoặc khởi kiện để đảm bảo con nợ khi vay sẽ phải trả theo đúng nguyên tắc của pháp luật.

“Mặc dù chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp đối với các công ty tài chính, nhưng ở đây có thể điều chỉnh theo nguyên tắc của luật dân sự, các hoạt động vay, cho vay đã thực hiện đúng quy định. Không vay nặng lãi, người vay vẫn phải thực hiện trả đầy đủ. Do đó, tôi cho rằng sẽ rất khó để "bùng" nợ nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định”, luật sư Thái nhận định.

Không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, những con nợ còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, luật sư Thái đưa ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu ngay từ ban đầu khi đi vay, người vay đã xác định làm giả giấy tờ, cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân sai để app không liên hệ được thì đây được xác định là hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" được quy định tại BLHS. Thứ hai, nếu đã cung cấp đầy đủ nhưng vẫn bùng, trốn trách nhiệm trả nợ. Con nợ sẽ bị xử lý theo Điều 175, BLHS với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu CQĐT có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.

Đặc biệt, những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo, hoặc cung cấp giấy tờ cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Từ những phân tích trên, luật sư Thái đánh giá, trường hợp người vay tiền có khả năng, điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không trả hoặc bỏ trốn để nhằm mục đích chiếm đoạt khoản tiền đã vay thì có thể bị xử lý theo Điều 175, BLHS về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174, BLHS về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt của 2 tội này cao nhất từ 12 năm lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Để hạn chế việc các hội nhóm "bùng" nợ phát triển tràn lan trên mạng xã hội, chuyên gia luật kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tích cực rà soát, xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức giữ vai trò quản lý, điều hành các trang page, hội nhóm nêu trên.

Người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin để nhằm lôi kéo tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp; Sử dụng dịch vụ "bùng" nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội ra vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.

“Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn công ty tài chính chính thống, uy tín thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…). Cần phải tỉnh táo để tìm được những địa chỉ vay tiền uy tín, vừa có thể giải quyết được nhu cầu tài chính của bản thân vừa đảm bảo có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng thời hạn”, luật sư Thái nhấn mạnh.

“Hành vi này rất nguy hiểm vì nó tạo ra một nhóm người có tư duy “không làm mà vẫn có ăn” chỉ trực chờ đi vay để tiêu sài và cuối cùng là bùng nợ. Thậm chí, có những người nói là vay nhưng đã có ý định bùng tiền ngay từ trước khi làm thủ tục vay. Khi mà lối tư duy này lây lan rộng ra như một loại “dịch bệnh” thì nó tác động rất xấu đến xã hội nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng”, luật sư Thái cho hay.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.