Vụ dàn cảnh bắt cóc con gái: Người cha sẽ bị xử lý về tội bắt cóc hay cưỡng đoạt tài sản?

Đông khai nhận, do túng quẫn nợ nần nên mới nảy sinh ý định dùng chính con gái ruột để tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc, tống tiền để có thể dễ dàng vay mượn tiền từ những người thân quen. Hành vi của người cha sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối tượng Nguyễn Văn Đông - chủ mưu vụ bắt, trói con gái ruột, dàn cảnh con bị bắt cóc để dễ vay mượn tiền trả nợ
Đối tượng Nguyễn Văn Đông dàn cảnh con gái bị bắt cóc để dễ vay mượn tiền trả nợ

CA huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Đông, SN 1984, trú tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức dàn cảnh bắt cóc con gái.

Kết quả điều tra ban đầu, do nợ nần nên trưa 8/3, Đông chở con gái ruột là N.N.H., SN 2012, đến một nhà nghỉ tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Khi đi, Đông chuẩn bị sẵn dây điện bọc vỏ nhựa, khăn quàng đỏ.

Đến nhà nghỉ, Đông dùng dây điện đã chuẩn bị sẵn trói ngược hai tay con gái ra sau, sử dụng khăn quàng đỏ bịt mắt, bịt miệng con gái rồi lấy điện thoại chụp ảnh giống như nạn nhân đang bị kẻ gian bắt cóc, khống chế làm con tin.

Sau đó, Đông dùng một chiếc điện thoại khác tạo tài khoản mạng xã hội Zalo ảo để gửi hình ảnh con gái bị trói tay, bịt mắt nói trên gửi vào tài khoản mạng xã hội Zalo của mình trên chiếc điện thoại khác.

Kèm theo hình ảnh, Đông gửi thêm nội dung: "Con gái mày đã bị bọn tao bắt cóc. Từ giờ đến 6 giờ tối nay mày phải chuẩn bị tiền 300 triệu cho bọn tao. Nếu không làm theo thì mày sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp con mày nữa. Muốn con bé sống sót về với mày thì mày phải làm theo yêu cầu của bọn tao. Cứ 15 phút tao sẽ nhắn tin cho mày 1 lần. Đừng làm liều, nếu không mày sẽ phải nhận hậu quả".

Ngoài ra, Đông còn nhắn thêm: "Không được báo với công an. Nếu báo hậu quả mày tự gánh".

Sau đó, Đông mang theo chiếc điện thoại của mình có tin nhắn "tống tiền" để đi gặp một số người thân quen, họ hàng và bạn bè để "cầu cứu", mong họ cho vay tiền để chuộc con gái.

Với thủ đoạn này, Đông lừa được ba người đồng ý cho vay mượn số tiền khoảng 200 triệu đồng để có thể "chuộc" con. Cũng từ đây, câu chuyện con gái Đông bị kẻ gian "bắt cóc" đã gây xôn xao, ầm ĩ cả khu dân cư nơi đối tượng sinh sống. Sự việc nhanh chóng được quần chúng Nhân dân trình báo đến CA địa phương.

Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, CA huyện Quỳnh Phụ đã cử cán bộ phối hợp với CA thị trấn An Bài xác minh thông tin thông tin ban đầu; đồng thời báo cáo ngay sự việc đến lãnh đạo CA tỉnh Thái Bình để xin ý kiến chỉ đạo.

Chỉ sau khoảng 2 giờ, lực lượng CA đã tìm ra địa điểm mà Đông nhẫn tâm trói, nhốt con gái mình tại một nhà nghỉ ở huyện Vĩnh Bảo và nhanh chóng giải cứu nạn nhân an toàn.

Bước đầu, đối tượng khai nhận, do túng quẫn, nợ nần nên đã nảy sinh ý định lấy chính con gái ruột ra để tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc, tống tiền, nhằm dễ dàng, thuận lợi vay mượn tiền từ những người thân quen để trả nợ.

Ngay sau đó, CQĐT đã bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Văn Đông để tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Vậy, theo quy định của pháp luật, hành vi dàn cảnh bắt cóc để tống tiền có thể bị xử lý như thế nào? Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi dàn cảnh bắt cóc để tống tiền trên đã đe dọa uy hiếp tinh thần, nhằm chiếm đoạt tài sản nên đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản phải có đồng thời hai hành vi là bắt cóc con tin và đe dọa chủ tài sản để chiếm đoạt tại sản.

Trong vụ việc này CQĐT có thể khởi tố đối tượng Nguyễn Văn Đông về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170, BLHS năm 2015 bởi hành vi bắt cóc chỉ là dàn dựng.

Theo luật sư Nguyên, Điều 170 BLHS quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Theo quy định của pháp luật, hành vi bắt cóc là hành vi bắt giữ người trái phép. Người bị bắt giữ có thể là trẻ em hoặc là người lớn có quan hệ tình cảm thân thiết với chủ tài sản. Hành vi bắt cóc được thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu việc bắt cóc không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm vào một mục đích khác thì hành vi bắt cóc không cấu thành tội này.

Chuyên gia luật cho rằng, hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Trong vụ việc này, CQĐT sẽ đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội và mục đích chiếm đoạt tài sản, xác định hậu quả để chứng minh tội phạm, chứng minh hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản. Trường hợp nếu đối tượng Đông bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích ở trên”, luật sư Nguyên cho hay.

Đường "Nhuệ" và con nuôi bị triệu tập trong phiên xử liên quan tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"
Có dấu hiệu cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật
Chuyện chưa kể vụ giải cứu cháu bé 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh
Bắt cóc con ruột, tạo hiện trường giả để... lừa vay tiền

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.