Sở Tư pháp Hà Nội:

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật

Ngày 10/3, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật cho hơn 200 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại các đơn vị trên địa bàn TP.
Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật
Hơn 200 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại các đơn vị trên địa bàn TP được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) làm báo cáo viên phổ biến nghiệp vụ kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật.

Trong đó, có văn bản pháp luật: Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/07/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2023 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Thông tư 14/2014/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;

Thông tư 04/2021/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định 32/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP; Thông tư 16/2018/TT-BTP quy định về chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, năm 2022 Hà Nội đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP, cho thấy công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP đã dần đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả nhất định.

UBND TP Hà Nội đã có nhiều báo cáo, kiến nghị đến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp trong thi hành pháp luật, từng bước cải tiến việc tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp từng bước đáp ứng yêu cầu của công việc, Lãnh đạo sở, ban, ngành TP và UBND các cấp đã nhận thức được vai trò, hiệu quả của công tác này trong thi hành và hoàn thiện pháp luật.

Song, bên cạnh kết quả đạt được, công tác theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, vẫn coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp nên chưa thật sự quan tâm triển khai đầy đủ đến các bộ phận, phòng, ban ngành khác thuộc thẩm quyền quản lý. Việc tham gia các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật chủ yếu là cung cấp thông tin khi được cơ quan Tư pháp thuộc UBND các cấp đề nghị.

Kết quả theo dõi thi hành pháp luật chưa chỉ rõ được những bất cập, mẫu thuẫn của pháp luật từ thực tiễn thi hành. Một bộ phận cán bộ công chức được giao thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa nắm rõ được kỹ năng triển khai thực hiện nên chưa chủ động tham mưu, đề xuất để triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Để nâng cao hiệu quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong thời gian tới trên địa bàn TP, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Sở Tư pháp Hà Nội cần tập trung bồi dưỡng kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật cho các cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác này. Đồng thời, đề nghị các cán bộ dự hội nghị tập trung tiếp nhận đầy đủ kiến thức tập huấn, chủ động tham mưu lãnh đạo đơn vị triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật
Hà Nội: Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.