Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn

Ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2023 - 2027. Cùng ngày, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề "Nhận diện hóa - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường”.
Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn

Ảnh minh họa.

Ngân hàng thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính

Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và NHNN giai đoạn 2023 - 2027 được xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Ngân hàng Nhà nước và Hội Liên hiệp phụ nữ trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHNN và Hội Liên hiệp phụ nữ trong thực hiện các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng phù hợp.

Phát biểu tại buổi ký kết, bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định: Trong suốt thời gian vừa qua, NHNN Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai các chương trình tín dụng.

Chương trình bao gồm các nội dung: Triển khai các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng nông nghiệp nông thôn và các loại hình tín dụng khác; nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, giáo dục tài chính cho phụ nữ, hạn chế tín dụng đen; triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; công tác an sinh xã hội và các hoạt động khác.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng nêu rõ: Thời gian qua, mặc dù chưa có ký kết phối hợp ở cấp Trung ương nhưng đã có 21/63 tỉnh, TP có văn bản ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp phụ nữ với NHNN.

Các hoạt động phối hợp đã bước đầu có hiệu quả, góp thực hiện có hiệu quả chính sách tài chính toàn diện và tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý báu cho việc ký kết ở cấp Trung ương và rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hai cơ quan cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp. Theo đó, bản kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung phối hợp thành các nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị có liên quan thuộc NHNN và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong giai đoạn phối hợp như: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách; Xây dựng đề án về hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính toàn diện, tài chính vi mô; Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, chia sẻ thông tin; Xây dựng hệ thống dữ liệu về hoạt động vay vốn của khách hàng là phụ nữ; Tìm kiếm và vận động hỗ trợ của tổ chức quốc tế để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tiếp cận dịch vụ tài chính; Công tác an sinh xã hội (tập trung phụ nữ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) và công tác cán bộ nữ; Thực hiện sơ kết giữa kỳ, tổng kết cuối kỳ đánh giá giai đoạn 5 năm (2023 - 2027) việc thực hiện Chương trình phối hợp.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc triển khai các nội dung phối hợp, NHNN và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đã thống nhất về trách nhiệm chung, trách nhiệm cụ thể của các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động.

Cũng nhân dịp này, ngành ngân hàng dành tặng 1 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tôn tạo khu di tích Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trao tặng kinh phí hỗ trợ của ngành ngân hàng cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Quy chế phối hợp giữa NHNN với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thực hiện theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ từ 2016. Đến nay Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp ký kết với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng để triển khai, thực hiện chương trình. Kết quả là, đến cuối năm 2022 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và 3 tổ chức chính trị-xã hội khác thực hiện một số nội dung ủy thác trong quy trình cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất trong các tổ chức chính trị-xã hội, với 62.299 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và hơn 2,48 triệu khách hàng; 99,98% số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư đạt 5.823 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đạt gần 108 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cục Quản lý thị trường hướng dẫn nhận diện hóa - mỹ phẩm thật - giả

Hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động. Mức độ làm giả trong lĩnh vực ngành hàng này hết sức tinh vi, thậm chí có cả tem và nhãn phụ. Do đó, nếu không có nghiệp vụ chuyên môn, người dùng sẽ khó phân biệt được đâu là hàng giả.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết hàng giả trong lĩnh vực này thường xuất phát từ hai nguồn chính là nhập lậu từ nước ngoài (hàng xách tay) hoặc được sản xuất ngay tại thị trường nội địa. Trong một năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an rất nhiều vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn

Nguyên nhân dẫn đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa-mỹ phẩm là do số lượng tiêu dùng rất lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là chị em phụ nữ đều có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp.

Bên cạnh đó còn một mặt hàng mà cục Quản lý thị trường thu giữ, xử phạt nhiều đó là dược phẩm, là thuốc, người bệnh thường có tâm lý “có bệnh vái tứ phương” do vậy, họ không mấy khi quan tâm đến giá cả, miễn là mua được thuốc, do vậy dễ mua phải thuốc giả.

Tổng cục trưởng cho biết thêm: Mới đây, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra một căn hộ trong khu đô thị Times City và phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các bao tải, túi lớn, không có bao bì, nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh kinh doanh hợp pháp sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng

Tại Phòng trưng bày với hơn 30 chủng loại hàng hóa cùng hơn 500 sản phẩm vi phạm, chủ yếu là dầu gội, sữa tắm, thuốc giảm cân, thuốc dành cho bà bầu... cùng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác. Các sản phẩm hàng thật-hàng vi phạm được đặt cạnh nhau nhưng không có biển chỉ dẫn, mục đích giúp người tiêu dùng cũng như khách tham quan bằng cảm quan có thể tự nhận diện, tự phân biệt hàng thật, hàng vi phạm, sau đó đối chiếu các dấu hiệu đã được các cơ quan chức năng đưa ra, từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả.

Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Minh Phương khuyến cáo: Hàng hóa vi phạm ngày càng được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử.

Những lời chúc 8/3 hay nhất cho phái nữ
Các siêu thị, nhà hàng kích cầu tiêu dùng trong dịp 8/3
Món quà đặc biệt BAC A BANK dành tặng khách hàng nữ nhân ngày phụ nữ 8/3

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.