Phát hiện chứng đầu nhỏ bằng cách khám thai vào thời điểm quan trọng

(PL&XH) - Tính đến ngày 5-11, số ca nhiễm vi-rút Zika tại Việt Nam đã lên tới 36 trường hợp, trong đó có phụ nữ mang thai. Zika đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai bởi có thể gây dị tật cho thai nhi. Mặc dù hệ thống chẩn đoán trước sinh có thể phát hiện được khi thai nhi còn nhỏ nhưng, khó khăn nhất là thai phụ chưa chủ động đi khám định kỳ vào những mốc thời gian quan trọng.

Việt Nam có hệ thống chẩn đoán trước sinh yêu cầu phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này, đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não... “Việc khám thai phát hiện bệnh không khó, nhưng thử thách để các bác sĩ phát hiện sớm các ca đầu nhỏ là do tâm lý của chị em phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm, chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám”, PGS.TS Trần Danh Cường, PGĐ BV Phụ sản Trung ương bày tỏ.

dau nho
Việt Nam đã ghi nhận trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ. Ảnh tư liệu

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tính đến ngày 5-11 cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi-rút Zika. Trong đó nhiều nhất là tại TP HCM với 29 ca, còn lại nằm rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên và Long An. Đặc biệt, số lượng ca nhiễm Zika tại TP HCM tăng nhanh trong thời gian ngắn, trong số các ca nhiễm có 4 trường hợp là phụ nữ mang thai…

Vi-rút Zika đối với cộng đồng không quá nguy hiểm bởi bệnh diễn ra theo chu kỳ và sẽ khỏi. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai loại vi-rút này lại đặc biệt nguy hiểm bởi nếu bị nhiễm trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ dẫn đến biến chứng cho thai nhi. Đáng chú ý, tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tại Đắk Lắk bị tật đầu nhỏ do nhiễm vi-rút Zika. Có thể thời gian tới vẫn tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc dị tật đầu nhỏ. Do vậy, Bộ Y tế quan tâm đặc biệt đến việc đảm bảo sức khỏe cho thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi-rút Zika.

Thiết bị y tế hiện đại cùng với chuyên môn của bác sĩ được nâng cao sẽ dễ dàng phát hiện ra những dị tật do vi-rút Zika gây ra với thai nhi nhưng khó khăn là ở nhận thức, ý thức, thói quen của thai phụ. PGS.TS Trần Danh Cường khuyến cáo: “Ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai nên đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi. Phụ nữ mang thai cũng nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi và phòng chống mọi nguy cơ”.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Cục Y tế dự phòng nhận định nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Bộ Y tế khuyến cáo người dân-nhất là phụ nữ mang thai cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Đó là dấu hiệu: Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược; một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo cộng đồng chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng). Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm vào các mốc thời gian quan trọng (12 tuần, 22 tuần và 32 tuần).

Trước diễn biến của dịch bệnh do vi-rút Zika, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 6278/UBND-KGVX yêu cầu các Sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai các biện pháp chủ động phòng chống bệnh do vi-rút Zika. UBND TP giao Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” lần thứ 2 trong tháng 11; hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước; tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo hệ thống y tế từ TP đến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống.
UBND TP cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành TP chủ động phối hợp với ngành y tế theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống bệnh do vi-rút Zika trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương theo hướng dẫn của ngành y tế.

Vân Hà / PL&XH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.