Hà Nội: Phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số, nâng cao tính giáo dục

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, thời gian tới TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn có tính đặc thù của Thủ đô. Ngành du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số, nâng cao tính giáo dục, trải nghiệm… tận dụng công nghệ 4.0, tạo sức bật cho du lịch nông thôn.
Gắn kết du lịch nông thôn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch chất lượng cao sẽ là “đòn bẩy” phát triển du lịch trong tương lai.
Gắn kết du lịch nông thôn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch chất lượng cao sẽ là “đòn bẩy” phát triển du lịch trong tương lai.

TP Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ), trang trại đồng quê (huyện Ba Vì)…

Mặc dù đã có một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, nhưng loại hình này còn có hạn chế. Nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Theo các chuyên gia du lịch, Hà Nội có điều kiện đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, TP trong cả nước, đây là những tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

Do đó, để phát triển loại hình du lịch này, cần nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng để có những giải pháp, phương thức khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Cũng theo các chuyên gia du lịch, trong thời đại công nghệ 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Nhằm tạo ra sức bật, đưa du lịch nông thôn phát triển nổi lực, cần xây dựng những câu chuyện về giá trị nhân văn tại nơi đó; phát triển một bộ thuyết minh cho các tuyến du lịch; tạo ra những hình ảnh, hoặc biểu tượng về những nét văn hóa, lịch sử đặc thù, đặc hữu.

Theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nên tổ chức đào tạo hỗ trợ cho người nông dân về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn phải triển khai có sự nghiên cứu, chọn lọc về nội dung cũng như cách tổ chức cho nó phù hợp với địa phương. Thêm nữa, hạ tầng công nghệ cũng cần được xem xét có đáp ứng được với cơ sở hạ tầng của địa phương hay không.

Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, mỗi địa phương cần lựa chọn những giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hỗ trợ cho người nông dân học và thực hành để sự đổi thay trong phát triển du lịch nông thôn không phải là thoáng chốc "tằm ăn rỗi".

Ngoài ra, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, hiện những con số thống kê của ngành du lịch còn đơn điệu, chưa có những số liệu chi tiết. Vậy nên, ngành cũng như các địa phương nên thay đổi cách thức thống kê để từ đó có cơ sở để cho ra những giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, TP phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Mục tiêu còn là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số...

Theo bà Đặng Hương Giang, đó là một hướng đi mới, dự báo có thể đem lại những thành công mới, nhất là với những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, diện tích canh tác thu hẹp. Đây cũng là hướng đi để đón luồng khách du lịch trở lại sau khi lưu thông toàn cầu được kết nối mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

“Ngành du lịch Thủ đô cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số, nâng cao tính giáo dục, trải nghiệm…tận dụng công nghệ 4.0, tạo sức bật cho du lịch nông thôn” - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Hà Nội: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại Hà Nội: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại
Quy hoạch, phát triển nông thôn Hà Nội: Tạo sức bật từ lợi thế  không gian Quy hoạch, phát triển nông thôn Hà Nội: Tạo sức bật từ lợi thế không gian
Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 - Kết nối di sản phát triển du lịch Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 - Kết nối di sản phát triển du lịch

Tuyết Nhi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.