Đã đến lúc chấm dứt điệp khúc "giải cứu"

Đây không phải lần đầu đường phố Hà Nội xuất hiện những băng rôn với nội dung "giải cứu". Trong và sau đại dịch Covid-19, đã có những cuộc giải cứu mít thái, thanh long, dưa hấu, cà chua… thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nhìn nhận lại cách làm nặng tính "từ thiện" này và chấm dứt điệp khúc "giải cứu".
Hình ảnh “giải cứu” trứng được bày bán trên vỉa hè những ngày gần đây
Hình ảnh “giải cứu” trứng được bày bán trên vỉa hè những ngày gần đây.

Hạ thấp giá trị nông sản

Thời gian vừa qua trên thị trường Hà Nội xuất hiện nhiều các thương lái mang nông sản lên bầy bán trên các vỉa hè với dòng chữ “giải cứu”. Trong đó có mặt hàng trứng gà được lái thương cho là có nguồn gốc xã Liên Châu (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Tuy nhiên ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai bác bỏ thông tin này: Chúng tôi chưa nhận được đề nghị hỗ trợ “giải cứu” từ người dân, trong khi đó Thanh Oai không phải địa phương nuôi gà, vịt để lấy trứng.

Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Lê Văn Hiếu cho biết thêm: Hiện xã Liên Châu có thôn Châu Mai chuyên nuôi gà, vịt đẻ và ấp trứng với 160 hộ sản xuất. Toàn thôn có tổng đàn 256 nghìn con gà, vịt đẻ; sản lượng khoảng 200 nghìn quả trứng/ngày. Năm 2017, sản phẩm trứng vịt Châu Mai đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể. Năm 2020, sản phẩm trứng vịt của một số hộ được UBND TP Hà Nội chứng nhận sản phẩm 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2022, có thêm 2 sản phẩm là trứng gà đỏ và trứng gà trắng của địa phương được chứng nhận OCOP 3 sao. UBND xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện thẩm định đề nghị TP công nhận Châu Mai là làng nghề truyền thống.

Điều này chứng tỏ trứng được bày bán tại các vỉa hè Hà Nội được các thương lái thu gom số lượng lớn trứng gà, vịt từ nhiều nguồn khác nhau không được kiểm soát nguồn gốc, thời gian vận chuyển và bảo quản khác nhau, do đó không đảm bảo chất lượng. Nếu bầy bán như trên sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu trứng của xã Liên Châu.

Ngoài trứng gà, hiện nay, trên thị trường Hà Nội còn rất nhiều nông sản đang bầy bán “giải cứu” như cam, dưa hấu… Hiện tượng này làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, giá trị sản phẩm của các địa phương. Người nông dân làm ra hàng hóa nông sản, từ quả cà, con cá, đến những dòng hoa của, quả xuất khẩu cũng chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương.

Đến câu chuyện “giải cứu” cam sành đang rầm rộ như hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, lý giải nguyên nhân là nông dân trồng sai thời vụ. Chẳng hạn trước Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu thụ nhiều, còn sau Tết thì nhu cầu giảm đi. Hơn nữa, loại cam sành đang “giải cứu” lại không xuất khẩu (XK) được vì mẫu mã xấu.

Với trái cam sành của Việt Nam, chưa nói về chất lượng, chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài đã xấu hơn trái cam của Trung Quốc và các nước khác. Chưa kể, xét về chất lượng nước bên trong trái cam Việt cũng chua hơn, có nhiều hạt. Cho nên chắc chắn trái cam sành của chúng ta rất khó XK, mà không XK được thì phải bán ở thị trường nội địa với mức giá đương nhiên là thấp.

Giờ đây tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Có nơi phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…

Quanh chuyện “giải cứu” trái cam sành, nhiều ý kiến bày tỏ mối băn khoăn trước “bài toán giải cứu” cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác với nhiều loại rau củ quả. Điều này có phần nguyên do từ việc sản xuất tự phát của người nông dân.

Đề nghị các cơ quan cần vào cuộc

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận mới để thúc đẩy phát triển thị trường nông sản ở Việt Nam một cách bền vững hơn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là hướng đi, giải pháp lâu dài, chứ không phải hàng năm mỗi khi cung vượt cầu, lại căng băng rôn kêu gọi giải cứu.

Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng kiến nghị cơ quan quản lý thị trường sớm vào cuộc để kiểm tra, xác minh tình trạng này để bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm bảo đảm chất lượng, đặc biệt là không gây bất ổn thị trường đối với sản phẩm trứng gà, vịt nói riêng và sản phẩm nông sản nói chung.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của người dân, nếu có trường hợp “giải cứu”, nên chăng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương như Hội nông dân, Hội phụ nữ... để liên hệ cùng với UBND phường, huyện... bố trí nơi tập kết nông sản hợp lý. Chứ không bầy bán tràn lan trên vỉa hè Hà Nội như hiện nay, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa vi phạm, lấn chiếm lòng đường vỉ hè, ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông đô thị của người dân cũng như các phương tiện.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định: Việc "giải cứu" nông sản nói chung và trứng gà nói riêng là hiện tượng nhất thời, vốn mang tính nhân văn, kêu gọi lòng trắc ẩn của người dân mỗi khi nông sản rớt giá hoặc dư thừa. Về lâu dài, không thể áp dụng cách làm này trong nền kinh tế thị trường, không thể cứ kêu gọi lòng thương, tính nhân văn mãi được.
Bao giờ chấm dứt tình trạng xe máy khan hàng, tăng giá?

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.