Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc

Cử tri nhiều địa phương kiến nghị Bộ Tài chính bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm đối với xe gắn máy, việc mua bảo hiểm nên chuyển sang hình thức tự nguyện.
Cử tri kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy
Cử tri kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy.

Cử tri kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy

Cử tri nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu… cùng chung kiến nghị Bộ Tài chính bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm xe máy; chuyển sang hình thức mua tự nguyện và cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm soát, đơn giản hóa việc chi trả bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn. Các cử tri cũng cho rằng đây chỉ là hình thức đối phó với công an giao thông, còn thực tế nếu xảy ra tai nạn, thủ tục phức tạp và số tiền bồi thường không đáng kể.

Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bến Tre, Long An, Bình Thuận… đã gửi tới Bộ Tài chính kiến nghị của cử tri về việc xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, cử tri các tỉnh cho rằng việc quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, để nhận được bồi thường bảo hiểm nếu có tai nạn xảy ra thì người dân phải tiến hành nhiều loại thủ tục giấy tờ rất phức tạp. Trong khi đó, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện và người thân phải lo đi cấp cứu, không có thời gian để lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu nên nhiều người mua bảo hiểm nhưng không thanh toán được vì không đủ giấy tờ. Việc mua bảo hiểm vì vậy chưa đảm bảo quyền lợi của người dân.

Cử tri cho rằng bảo hiểm xe máy là hợp đồng dân sự nên để người dân tự nguyện mua bảo hiểm thay vì bắt buộc như hiện nay. Đây cũng không phải cơ sở để đảm bảo cho người dân tham gia lưu thông được an toàn. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc mua bảo hiểm hoặc quy định thủ tục chi trả bảo hiểm đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc hưởng bảo hiểm này.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, ở mức gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ô tô, mô tô, xe máy. Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore... có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.

Bộ Tài chính nói gì?

Theo Bộ Tài chính, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay đã được hơn 30 năm. Hiện xe máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.

Riêng về bảo hiểm bắt buộc xe máy năm 2021, số lượng xe được bảo hiểm là 12,4 triệu xe (giảm 3% so với năm 2019). Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm và dự phòng nghiệp vụ là 1.040 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm cả dự phòng nghiệp vụ là 11%.

Bộ Tài chính cho biết Cục quản lý Bảo hiểm đang trong quá trình xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc, căn cứ tình hình thực tiễn, ý kiến đề xuất của các bên liên quan.

Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như: Bổ sung quy định giảm phí bảo hiểm; tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm; bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.

Quy định về bảo hiểm xe máy

Bảo hiểm xe máy (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba) quy định tại Nghị định 03/2021 và Thông tư 04/2021 của Bộ Tài chính. Bảo hiểm thay chủ xe/tài xế thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại khi gây tai nạn (bên thứ ba), không bảo hiểm cho bản thân người lái xe và chiếc xe.

Mức trách nhiệm như sau:

Về người: 150 triệu đồng/người/vụ. Không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm.

Về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người bảo hiểm cũng chỉ bồi thường tối đa 50 triệu đồng/vụ. Không hạn chế số vụ/năm.

Để được bảo hiểm bồi thường phải thỏa mãn ba điều kiện: Chủ xe/tài xế có lỗi gây thiệt hại; chủ xe/tài xế đã hoặc sẽ phải bồi thường cho bên thứ ba; thiệt hại không nằm trong các điểm loại trừ bảo hiểm.

Khi phát sinh trách nhiệm, bảo hiểm bồi thường như sau:

Đối với thiệt hại về người: Số tiền bồi thường = % tỉ lệ thương tật x 150 triệu đồng.

Trường hợp bên thứ ba tử vong, số tiền bồi thường tối đa 150 triệu đồng.

Bồi thường thiệt hại về người không tính lỗi, trường hợp lỗi hoàn toàn do bên thứ ba bảo hiểm trả tối đa 50% mức trách nhiệm về người (tương đương 75 triệu đồng).

Đối với thiệt hại về tài sản: Số tiền bồi thường = thiệt hại của bên thứ ba x % lỗi của chủ xe/tài xế.

Tổng số tiền bồi thường thiệt hại về người và tài sản không vượt quá số tiền chủ xe/tài xế đã bồi thường cho bên thứ ba và không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

Bộ Tài chính đề xuất 4 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2023
Bộ Tài chính đề xuất tăng phí sát hạch lái xe ô tô, xe máy
VCCI đề xuất bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.