Hà Nội công bố quy hoạch trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp

(PL&XH) - Hà Nội vừa công bố Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Sở Quy hoạch – kiến trúc lập, được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4953QĐ-UBND ngày 9-9-2016 là cơ sở quan trọng để triển khai rà soát, sắp xếp hệ thống trụ sở làm việc hiện có và tiến hành đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất nhất quán, đồng bộ, tạo dựng hình ảnh, vị thế của các cơ quan tư pháp Thủ đô. Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, số cơ sở ổn định được cập nhật vào quy hoạch là 6 trụ sở, gồm 3 trụ sở ngành tòa án, 2 trụ sở ngành kiểm sát và 1 trụ sở ngành Thi hành án. Có 32 trụ sở xây dựng mới, cải tạo, mở rộng diện tích tại chỗ, gồm 10 trụ sở ngành tòa án, 12 trụ sở ngành kiểm sát và 10 trụ sở ngành thi hành án. Ngoài ra có 55 cơ sở xây dựng ở các vị trí mới, bao gồm 18 trụ sở ngành tòa án, 17 trụ sở ngành kiểm sát và 20 trụ sở ngành Thi hành án. Quy hoạch cũng xác định 18 địa điểm để dự trữ phát triển, mở rộng trụ sở các cơ quan tư pháp TP giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm 6 trụ sở ngành tòa án, 6 trụ sở ngành kiểm sát và 6 trụ sở ngành thi hành án.

IMG_3361 (1)
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng trao Đồ án quy hoạch cho đại diện các đơn vị. Ảnh: T.Hải

Giai đoạn 2016-2020, TP sẽ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, các cơ sở đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và các cơ sở có yêu cầu bức thiết phải xây dựng trụ sở ngay để đáp ứng yêu cầu công việc. Giai đoạn 2020-2030, xây dựng và phát triển, mở rộng theo quy hoạch, hoàn chỉnh mạng lưới, chuẩn bị quỹ đất để phát triển các cơ sở cho nhu cầu dài hạn. Giai đoạn 2030-2050 và sau 2050, xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới gắn với quy hoạch không gian đô thị, bổ sung nhu cầu phát triển mới phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô và của ngành.

Theo Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn, phần lớn trụ sở các cơ quan tư pháp được hình thành giai đoạn trước năm 2000. Chất lượng và quy mô các công trình đều đã xuống cấp, vị trí trụ sở các cơ quan trong các khu dân cư, công trình quy mô nhỏ, chất lượng thấp đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh và vai trò của các cơ quan tư pháp. Việc Thành ủy tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội để các cơ quan tư pháp của TP sớm có trụ sở làm việc khang trang, hiện đại xứng đáng với vị trí và vị thế là cơ quan tư pháp của Thủ đô, đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là “Từng bước xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp khang trang, hiện đại, đầy đủ, tiện nghi”.

Về dự hội nghị công bố Đồ án và trực tiếp bàn giao Quy hoạch cho các địa phương, đơn vị để quản lý, tổ chức thực hiện, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội thông tin: “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép UBND TP Hà Nội ứng vốn 100% để xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp từ TP đến quận, huyện theo quy hoạch. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội để sau khi đề án được phê duyệt sớm triển khai đưa vào hoạt động có hiệu quả”.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Đồ án quy hoạch là cơ sở pháp lý bước đầu để các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, công trình trụ sở làm việc theo quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện các nội dung theo quy hoạch được duyệt thì còn rất nhiều nội dung cần phải tập trung triển khai ngay. Phó Bí thư Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các Sở, ngành TP tham mưu UBND TP báo cáo Chính phủ, HĐND TP thông qua cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư, xây dựng trụ sở ngành tư pháp để triển khai đồng bộ, hiệu quả và thống nhất; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đã được duyệt; UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất và tạo mặt bằng sạch giao cho các cơ quan tư pháp để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở theo quy hoạch; tăng cường quản lý đất đai, không chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng sang các chức năng khác đối với các cơ sở dự trữ phát triển cơ quan tư pháp theo quy hoạch; Các cơ quan tư pháp TP nghiên cứu và báo cáo cấp trên để hoàn thiện các mẫu thiết kế công trình điển hình, tập trung thực hiện các dự án trụ sở làm việc theo quy hoạch được duyệt để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian sớm nhất.

Thanh Hải / PL&XH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.