Tình trạng đi ngược chiều: Nguy hiểm cho mình và người khác

Vào thời gian cao điểm, để rút ngắn quãng đường di chuyển, hàng trăm phương tiện bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều khiến giao thông trở nên lộn xộn, nguy hiểm.
Việc các phương tiện đi ngược chiều, cắt ngang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn, đặc biệt vào giờ cao điểm
Việc các phương tiện đi ngược chiều, cắt ngang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Phạm luật và nguy hiểm

Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội đã tổ chức lại giao thông khu vực nút giao Giải Phóng - Kim Đồng để phục vụ thi công hầm chui nút Kim Đồng - Giải Phóng. Theo đó, các phương tiện di chuyển từ nút Giải Phóng - Kim Đồng, phố Kim Đồng vào phố Định Công phải tiếp tục di chuyển trên phố Giải Phóng khoảng 300m đến điểm mở dải phân cách rồi quay đầu xe tiếp tục lộ trình.

Tuy nhiên, từ khi nút giao được tổ chức lại, khu vực này luôn xảy ra tình trạng phương tiện nối đuôi nhau đi ngược chiều để vào phố Định Công thay vì chấp hành việc tổ chức giao thông ở tuyến đường này. Có tới hàng chục xe máy liều lĩnh, bất chấp luật lệ "cắt mặt" các phương tiện đang di chuyển tại khu vực này.

Dù quãng đường người dân đi ngược chiều chỉ dài hơn 100m nhưng cũng khiến giao thông tuyến đường Giải Phóng trở nên lộn xộn, nguy hiểm. Từ đó, biến nơi đây trở thành "điểm đen", tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Việc các phương tiện đi ngược chiều, cắt ngang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Anh Lê Hải Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, hàng ngày anh đi làm trên tuyến đường Giải Phóng. “Tôi thấy họ đi ngược chiều mà không thấy lực lượng chức năng xử lý. Hàng trăm xe đi sai luật thì lực lượng chức năng cần phải ra quân chấn chỉnh ngay. Có thể do hạ tầng quá tải, xe quá đông nên lực lượng chức năng xử lý không xuể nhưng không vì thế mà bỏ qua vi phạm”, anh Hà nói.

Trước thực trạng trên, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) tăng cường lập chốt kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm luật giao thông trên đường Giải Phóng. Tuy nhiên ngay khi vắng bóng lực lượng chức năng, các phương tiện lại tái diễn vi phạm. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì kiểm tra xử lý ở các điểm "nóng" phổ biến tình trạng người dân đi ngược chiều để kiểm tra, xử lý, một cán bộ đội CSGT số 14 thông tin.

Cần “thuốc đặc trị"

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất, lực lượng chức năng áp dụng công nghệ để xử lý người đi ngược chiều. Theo đó, nên áp dụng hình thức phạt nguội với người đi xe máy vi phạm quy định pháp luật.

“Để khắc phục được tình trạng này phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Dù có tăng lực lượng CA, thanh tra giao thông lên nhiều đến mấy cũng không xử lý được hết người đi ngược chiều”, ông Giang chia sẻ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) khẳng định, việc vượt đèn đỏ, đi ngược chiều là do ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc xử lý của lực lượng chức năng cũng chưa nghiêm. Ông Trương Xuân Cừ cho biết: “Còn hiện tượng nể nang, xin cho của lực lượng chức năng với người vi phạm, từ đó dẫn tới tình trạng nhờn luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông”.

Do vậy, ông Cừ đề nghị lực lượng chức năng phải xử lý thật nghiêm người cố tình vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Việc xử lý này phải thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không nên làm theo “mùa vụ”. Ngoài ra, ông Cừ còn kiến nghị CA TP Hà Nội phối hợp với ngành giao thông thực hiện phạt nguội với người đi xe máy vi phạm luật giao thông. “Chỉ có cách áp dụng công nghệ mới xử lý triệt để được tình trạng đi ngược chiều”, ông Cừ nói thêm.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ GTVT nhận định, do ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn yếu kém mới dẫn đến tình trạng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ tràn lan trên đường phố Hà Nội.

“Luật nghiêm cấm người đi ngược chiều, thế nhưng họ vẫn cứ cố tình không tuân thủ. Căn cứ theo mức phạt trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP chúng ta cần xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ người vi phạm và với lý do gì, tôi tin là những hành vi đi ngược chiều của người tham gia giao thông sẽ không tái phạm”, ông Doãn Minh Tâm nói.

Với tư cách là một công dân của TP Hà Nội, PGS.TS Doãn Minh Tâm cho biết, rất ngại khi gặp người đi ngược chiều. Vì lúc đó, bản thân ông trở thành “đối tượng gặp rủi ro”. Ông mong muốn người dân TP Hà Nội tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không đi ngược chiều, vượt đèn đỏ để tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc. Lực lượng chức năng bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền luật còn phải thường xuyên ra quân, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Để người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ, theo ông Nguyễn Xuân Tân, nguyên Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phải kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh những người cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Qua đó sẽ tạo thành thói quen chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Theo khoản 5, Điều 6 Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người điều khiển xe máy đi ngược chiều sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với lỗi vi phạm đi ngược chiều. Tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng khi đi ngược chiều gây ra tai nạn. Trong trường hợp hành vi đi ngược chiều gây tai nạn giao thông; có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 7 - 15 năm tù.
Xử phạt lái xe đầu kéo đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang
Xử phạt lái xe ô tô đi ngược chiều qua tin báo facebook
Hải Phòng: Triệu tập lái xe ô tô đi ngược chiều tại ngã tư Quốc lộ 5-Tôn Đức Thắng

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.