Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc

Vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc"...
Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc".

Việt Nam và Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất

Tại diễn dàn, các đại biểu nhận định, đánh giá và dự báo thị trường xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa hai bên.

Trong 1 tháng qua đã có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là cửa khẩu Kim Thành, với các mặt hàng hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn, trong đó thanh long tươi chiếm 80%...

Tổng quan về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, năm 2022, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất, nhập khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam.

Trong đó mặt hàng rau quả, tỷ trọng chiếm xuất khẩu chiếm 53,7%, vải thiều sang Trung Quốc chiếm 90%, lượng thanh long sang Trung Quốc chiếm hơn 80% tỷ trọng lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Quốc với tỷ trọng lần lượt chiếm 91,47% và 71%. Riêng thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam xếp sau Mỹ và Nhật Bản.

Để thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa; sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Mặc dù vậy nhưng hiện nay xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt cho hay: Trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu sang nước này. Nhất là ảnh hưởng của Lệnh 248, 249 (Quy định quản lý và Đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc), Hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu) khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng ngay lập tức.

Tham gia Diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác thương mại để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thực phẩm chất lượng cao giữa 2 nước. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nghiêm túc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn về kiểm dịch chất lượng, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc và tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Tiếp cận thị trường nhỏ ở Trung Quốc

Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhất là mặt hàng thủy hải sản. Đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường và tiếp cận theo vùng đối với thị trường này.

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian này cần tăng cường tiếp cận vùng đối với các thị trường nhỏ như ở thị trường Trung Quốc như: Quảng Tây; Vân Nam bởi vì mỗi địa phương của Trung Quốc có một quy mô kinh tế rất lớn với thói quen tiêu dùng và những yêu cầu khác nhau về sản phẩm nông sản kể cả thực phẩm và nông sản. Vì vậy, nên doanh nghiệp cũng như các địa phương cũng cần phải nhìn nhận như thế để chúng ta tiếp cận theo hướng này.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu khi nhiều vụ việc mất thương hiệu đáng tiếc đã từng xảy ra.

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với tỉnh Vân Nam, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy hiệu quả của các cửa khẩu đường bộ, đường sắt tiếp giáp với tỉnh Vân Nam; tăng cường quảng bá các mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây…; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn công tác với tỉnh Vân Nam.

Ác-hen-ti-na tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh
Ba Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.