Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính mang tầm khu vực và thế giới

Vùng Đồng bằng sông Hồng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước...
Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính mang tầm khu vực và thế giới

Chiều 9/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về việc tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.

Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, sẽ được tổ chức ngày 12/2/2023 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 900 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đây là hội nghị “ba trong một”, không chỉ công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, mà còn triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2020 của toàn Vùng đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng gấp 9,5 lần so với năm 2005, cao hơn bình quân cả nước (6,6 lần), chiếm 32,7% tổng thu ngân sách nhà nước; thu nội địa tăng nhanh và có tỷ trọng cao nhất trong các vùng kinh tế (chiếm 80,2% tổng thu ngân sách).

Vùng Đồng bằng sông Hồng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành 3 cực tăng trưởng trong tam giác động lực phát triển kinh tế Vùng.

Tuy nhiên, Vùng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chuyển dịch kinh tế chậm, các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, lao động và tài nguyên; thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI...

Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục, kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới, sẽ là “dư địa”, cơ hội để đồng bằng Sông Hồng phát triển nhanh trong thời gian tới, thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, dẫn dắt quá trình cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW, với mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh, sinh thái, đậm đà bản sắc dân tộc; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục. Phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của vùng và cả nước, kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Chính phủ đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình cụ thể.

Phát triển đô thị là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ
Hà Nội: Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động năm 2023
Động lực đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.