Hà Nội không ban hành quy định riêng về bồi thường chung cư cũ

Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cho hay, UBND TP Hà Nội sẽ không xem xét, ban hành văn bản về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đề xuất của Sở Xây dựng…
Hà Nội không ban hành quy định riêng về bồi thường chung cư cũ

Hà Nội không ban hành quy định riêng về bồi thường chung cư cũ

Cuối năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội lấy ý kiến dự thảo quy định chi tiết Nghị định 69/2021 về hệ số bồi thường và quy trình lựa chọn nhà đầu tư với dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ. Ngày 3/2, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cho hay, UBND TP Hà Nội sẽ không xem xét, ban hành văn bản về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội quy định cụ thể mức bồi thường khi cải tạo chung cư cũ như: Hệ số bồi thường với dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư do Nhà nước thực hiện, hệ số K được đề xuất là 1. Trường hợp dự án xây dựng lại chung cư được thực hiện bằng xã hội hóa, hệ số K không được vượt quá 2 lần diện tích sử dụng hợp pháp.

Trong đó, không phân biệt căn hộ nhà nước hay xã hội hóa, chung cư cũ khi xây lại đều có chung hệ số K là 1,3, nhân với hệ số chuyển tầng. Căn hộ cũ ở tầng 1, khi xây mới nếu ở tầng 2 sẽ có hệ số chuyển tầng là 0,1 và cứ lên thêm một tầng tăng 0,1 cho đến mức tối đa 0,5 (từ tầng 6 trở lên).

Ngày 3/2, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cho hay, UBND TP Hà Nội sẽ không xem xét, ban hành văn bản về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đề xuất của Sở Xây dựng. Nội dung chủ yếu của văn bản liên quan đến hệ số bồi thường K và quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

Ban Chỉ đạo lý giải các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tương đối đầy đủ. Việc nghiên cứu, thẩm định để ban hành văn bản mất nhiều thời gian trong khi tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang bị chậm.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành vận dụng tối đa quy định hiện có, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, báo cáo thành phố ban hành văn bản cá biệt để chỉ đạo, nhưng vẫn phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai đối với một số tình huống cụ thể.

Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954. Giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp, Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân

Sau một năm ban hành đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn (Quyết định số 5289), Ban Chỉ đạo thông tin thành phố đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ; đặt mục tiêu phá dỡ xong 2 nhà chung cư (số 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa và số 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình) trong năm 2022... Tuy nhiên, hiện mới hoàn thành kiểm định 126 chung cư, nội dung còn lại không đạt tiến độ.

Để việc cải tạo đạt hiệu quả, thành phố giao các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.

Khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D
Hà Nội cần 16.186 căn hộ phục vụ tái định cư
Hà Nội phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng lại nhà chung cư cũ

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.