Lễ hội Đền Và - Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Đoài

“Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng Đền Và…”
Lễ hội Đền Và - Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Đoài
Chính hội vào ngày Rằm tháng Giêng nhưng từ ngày 13, Nhân dân trong vùng đã lên đền làm lễ “tước thảo” - lễ cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh.

Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, tọa lạc tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1964 và ngày 19 tháng 01 năm 2016, Lễ hội Đền Và - lễ hội lớn nhất của cả vùng xứ Đoài đã vinh dự được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo phong tục cổ truyền, Lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kỳ và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính với sự tham gia của 8 làng cùng thờ Đức Thánh Tản gồm: Vân Gia, Cầu Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ (thuộc phường Trung Hưng), các làng Phù Sa (phường Viên Sơn), Phú Nhi (phường Phú Thịnh) và làng Duy Bình (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Tâm điểm của lễ hội chính là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại Đền Và.

Chính hội vào ngày Rằm tháng Giêng nhưng từ ngày 13, Nhân dân trong vùng đã lên đền làm lễ “tước thảo” - lễ cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh. Ngày 14 tháng Giêng làm lễ “phong triều” (mặc áo, đội mũ) cho Đức Thánh ở trong hậu cung, sau đó dựng cờ hội và mở cửa nghi môn chính thức khai hội. Vào giờ Sửu ngày Rằm, các cụ sẽ làm lễ phụng nghinh rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản ra ngoài kiệu chính.

Thứ tự đoàn rước gồm có kiệu lễ hoa quả của thôn Vân Gia, tiếp đến là kiệu quả của các thôn phường Trung Hưng, Phù Sa (phường Viên Sơn) và Phú Nhi (phường Phú Thịnh). Ba cỗ kiệu chính đi sau cùng. Đi cùng đoàn rước là đội múa rồng cùng các đội bát bửu, lộ bộ, đội nhạc, đội tế, đội dâng hương.

Hình thức rước phản ánh tục “cầu nước” và múa rồng là biểu trưng cho sự vận động của bầu trời, người dân diễn tích này cầu cho mưa thuận, gió hòa. Trên đường đi, các đình, đền, chùa và nhân dân hai bên đường bày hương án, dâng hương hoa lễ vật lên Đức Thánh để lễ tạ tri ân Người.

Đến mỗi ngã tư lớn, các kiệu chính lần lượt được quay ba vòng rồi tung lên cao ba lần trong tiếng reo hò của hàng vạn người. Già, trẻ, gái, trai, nhất là những trẻ biếng ăn, chậm lớn, người già yếu, bệnh tật từ các gia đình hai bên phố đua nhau chui ngang qua gầm kiệu vài lần để cầu Thánh ban cho sức khoẻ. Tục chui kiệu trở thành một nét độc đáo trong lễ rước Thánh Tản Viên.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, mỗi ngày đều có một buổi tế xin thần linh thấu hiểu ước vọng của con người. Đặc biệt, nước cúng tế trong Lễ hội Đền Và chỉ lấy ở sông Hồng - con sông lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của cư dân Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng đất xứ Đoài nói riêng.

Lễ “mộc dục” tại Đền Ngự Dội diễn lại sự tích liên quan tới Tản Viên Sơn Thánh, là biểu hiện của nghi lễ cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Di tích Đền Và và Lễ hội Đền Và có mối quan hệ mật thiết, đó là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ hội Đền Và - Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Đoài

Ông Hà Việt Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây, cho biết: Để Lễ hội Đền Và năm 2023 diễn ra an toàn, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo quần chúng nhân dân, thị xã Sơn Tây đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia các hoạt động lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội Đền Và. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa được các ngành chức năng đẩy mạnh. Các hiện tượng mê tín dị đoan như đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, cờ bạc, chèo kéo ép khách được khắc phục, hạn chế. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, khu vực ăn uống, kinh doanh sản phẩm văn hóa, các điểm trông giữ xe… cơ bản được bố trí hợp lý.

Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, quảng bá, giới thiệu di tích, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ được Ban Tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hành hương, trẩy hội.

Lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài đã trở thành cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ Nam - Bắc sông Hồng thành một khối. Cùng với những mặt tích cực như khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng, lưu giữ và trao truyền văn hóa truyền thống, du khách thập phương đến với lễ hội để nhớ về cội nguồn tiên tổ, cội nguồn văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc xứ Đoài, để từ đó hướng thiện hơn trong nếp sống cộng đồng hôm nay.

Lễ hội Đền Và - Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Đoài
Lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân trong vùng và du khách.

Xuân Quý Mão 2023, Lễ hội Đền Và vào kỳ chính hội và được tổ chức với quy mô lễ hội vùng. Lễ hội diễn ra từ chiều 4/2 đến sáng 7/2/2023 (tức từ chiều 14 tháng Giêng đến sáng 17 tháng Giêng năm Quý Mão) với các nội dung gồm: Khai mạc lễ hội ngày 4/2/2023 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão) với các nghi thức: Lễ phong triều, khai mạc lễ hội, lễ dâng hương.

Lễ rước: Ngày 5/2/2023 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão). 5h sáng, Đoàn rước kiệu bắt đầu khởi hành, rước từ Đền Và - đường Đền Và - ngã tư Đồng Bưởi - phố Vân Gia - phố Quang Trung - phố Nguyễn Thái Học - phố Phan Chu Trinh - phố Phó Đức Chính - phố Lê Lợi - bến sông Hồng (địa phận thuộc TDP Hồng Hậu - phường Phú Thịnh) - qua sông Hồng sang đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc).

Từ khoảng 11h - 13h30 phút: Lễ tế Thánh tại đền Ngự Dội. Từ khoảng 14h30 phút - 17h: Đoàn rước từ đền Ngự Dội ngược theo lộ trình cũ, rước kiệu trở về Đền Và, sau đó làm lễ yên vị tại Đền Và.

Lễ tế chính tại Đền Và: Ngày 6/2/2023 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ tế tạ và kết thúc lễ hội: Sáng 7/2/2023 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão).

Đối với phần hội: Từ chiều 4/2 đến 7/2 tức 14 - 17 tháng Giêng: Tổ chức các trò chơi dân gian tại khu đồi Lim - Đền Và. Tối ngày 4/2 tức 14 tháng Giêng: Tổ chức đêm văn nghệ quần chúng tại khu vực bãi xe Đền Và.

Kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Khai mạc Lễ hội 2023
Tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự dịp lễ hội sau Tết Nguyên đán
Về làng Triều Khúc xem trai giả gái múa bồng đầu xuân

San Lam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.