Điều chỉnh giảm bậc tính thuế với người làm công ăn lương?

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến việc xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi.
Theo nhận định của các chuyên gia, người làm công ăn lương, chiếm 50% lực lượng lao động, là đối tượng đóng góp tới 70% nguồn thu. Nhưng chính sách thuế với họ lại chậm điều chỉnh sau hơn chục năm áp dụng Luật thuế TNCN 	Ảnh: Khánh Huy
Theo nhận định của các chuyên gia, người làm công ăn lương, chiếm 50% lực lượng lao động, là đối tượng đóng góp tới 70% nguồn thu. Nhưng chính sách thuế với họ lại chậm điều chỉnh sau hơn chục năm áp dụng Luật thuế TNCN Ảnh: Khánh Huy

Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Luật Thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ 1/1/2009 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014). Từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này vẫn bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 sẽ xem xét giảm bậc tính thuế với người làm công ăn lương từ 7 xuống 5, riêng mức giảm trừ gia cảnh sẽ chưa điều chỉnh. Theo Luật thuế TNCN hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Theo các chuyên gia đánh giá, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm. Điều này làm số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Được biết, cơ quan soạn thảo đã ghi nhận các ý kiến góp ý, vì thế dự thảo chương trình xây dựng luật lần này đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.

Dự thảo cũng đề cập việc xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế phù hợp hơn với mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Cũng có nhiều ý kiến đề xuất việc nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Tuy nhiên, dự thảo cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chưa cần thiết vào lúc này. Theo dự thảo, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Cũng theo dự thảo, do nhu cầu sống của cá nhân người nộp thuế rất khác nhau nên việc đưa ra mức giảm trừ thường ít có sự đồng thuận do xung đột về lợi ích cũng như quan điểm. Mức giảm trừ quá cao sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của nó (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập), gây ra nhiều khó khăn cho các lần cải cách tiếp theo và vô hình sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước.

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, thu nhập tháng bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là hơn 9 triệu đồng đầu người.

Dự thảo cho biết, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng mỗi tháng) bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng mỗi tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành, Việt Nam có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, người làm công ăn lương, chiếm 50% lực lượng lao động, là đối tượng đóng góp tới 70% nguồn thu. Nhưng chính sách thuế với họ lại chậm điều chỉnh sau hơn chục năm áp dụng Luật thuế TNCN. Nếu được thông qua dự thảo, Luật thuế TNCN sửa đổi đến 2026 mới có hiệu lực thi hành e rằng hơi chậm.

Theo số liệu thống kê, 25% lực lượng lao động đang làm công ăn lương thuộc diện phải đóng thuế TNCN. Theo quy định, họ được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giảm trừ gia cảnh..., số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Bà Andrea Godfrey - thành viên điều hành, Phụ trách bộ phận tư vấn và tuân thủ thuế TNCN KPMG Việt Nam đánh giá, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng cho một người phụ thuộc là quá thấp. Chi tiêu thực tế cho một người phụ thuộc không ít hơn đáng kể so với chính bản thân người nộp thuế do phát sinh chi phí lớn như y tế hoặc giáo dục...

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, cá nhân có thu nhập (chưa khấu trừ bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, trợ cấp...) tháng dưới 17 triệu đồng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng (nếu có 2 người phụ thuộc) chưa phải nộp thuế TNCN. Nếu thu nhập lớn hơn 17 triệu đồng và 22 triệu đồng thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập.

Thực tế từ 2017, Bộ Tài chính cũng từng đề xuất giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống chỉ còn 5 bậc và nới rộng khoảng cách tính thuế ở các bậc thấp để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nhiều ý kiến từ chuyên gia đều phản ánh biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc là quá nhiều. Tuy nhiên sau đó phương án này lại không được duyệt.

Điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh, thương mại

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.