Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang:

Đề xuất UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá

Thời gian gần đây, người dân, Phật tử, các nhà nghiên cứu rất quan tâm tới sáng kiến của Thượng tọa, Tiến sĩ luật học Thích Chân Quang về việc đề xuất UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại. Nhân ngày đầu năm Quý Mão, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa, tiến sĩ Thích Chân Quang xung quanh sáng kiến này.
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang

Phóng viên: Những ngày cuối năm 2022 vừa qua, tại Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã long trọng tổ chức Đại lễ Đức Phật Thành Đạo. Theo Phật giáo Bắc Tông, Đức Phật đắc đạo vào ngày 8 tháng 12 âm lịch, theo Phật giáo Nam tông thì đó là ngày rằm tháng Tư. Vì sao có sự khác biệt này?

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang: Cuộc đời Đức Phật có ba ngày quan trọng nhất là ngày Đức Phật ra đời, ngày Đức Phật Thành Đạo, ngày Đức Phật qua đời. Vì xưa đường xá quá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, đi bộ là chính, việc Phật tử gặp được nhau rất khó khăn. Các vị trưởng lão mới họp lại thống nhất chọn một ngày để kỷ niệm 3 sự kiện trên, đó chính là rằm tháng Tư âm lịch để vinh danh ba ngày một lúc. Trong cái tiện lợi cũng nảy sinh ra sự hiểu lầm về sau, đó là nhiều người cho rằng ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo, nhập niết bàn vào cùng một ngày.

Chùa Phật Quang theo truyền thống Bắc Tông nên phân biệt ba ngày khác nhau và vì thế tổ chức ngày lễ Đức Phật Thành Đạo vào ngày 8 tháng 12 âm lịch hàng năm. Đại lễ Phật Thành Đạo vừa qua, ngày thứ nhất (mồng 6 tháng 12) tổng kết hoạt động trong năm qua, như các hoạt động từ thiện, Phật sự, vinh danh khen thưởng cá nhân, tập thể. Các ban ngành tới dự lễ. Ngày thứ hai làm lễ xuất gia cho một số Phật tử trẻ. Năm nay lễ này có sự chứng kiến của vị Phó tăng thống Phật giáo Campuchia, trong buổi chiều có buổi giao lưu giảng đạo giữa các vị tăng thống Campuchia và các nhà sư Việt Nam.

Vị Phó tăng thống Phật giáo Campuchia xúc động kể lại việc nhà sư đang đi tu hành thì xảy ra họa diệt chủng Pon Pốt, nhà sư bị buộc hoàn tục, không cho đi tu nữa. Năm 1979, nhờ có sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam mà đạo Phật tại Campuchia được khôi phục, nhà sư lại được tu hành. Giáo hội Việt Nam cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ Giáo hội Campuchia phát triển như ngày nay. Câu chuyện của nhà sư làm cho 5,5 vạn người nghe xúc động.

Buổi tối, thầy thuyết giảng. Chính trong buổi giảng này, thầy đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật Giáo Campuchia, cùng đề xuất lên tổ chức UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.

Phóng viên: Xin Thượng tọa, Tiến sĩ cho biết lý do đề xuất Tổ chức UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại?

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang: Thầy long trọng đề xuất vì lý do như sau. Chính nhờ sự giác ngộ của Đức Phật đã mở ra một Đạo Phật mà tôn giáo này được cả thế giới tôn trọng.

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hợp Quốc công nhận Ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Đại lễ Phật Đản - lễ mừng Đức Phật ra đời vừa được UNESCO chính thức công nhận một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới.

Đạo Phật là tôn giáo yêu chuộng hòa bình nhất thế giới, trong giới luật đạo Phật nghiêm cấm việc làm tổn thương đến người khác. Về văn hóa, đạo Phật đi tới đâu đều góp phần xây dựng, phát triển văn hóa nơi đó, giúp văn hóa nơi sở tại thăng hoa, phát triển mà không làm mất đi bản sắc của các vùng đất ấy. Nước nào khai thác được các giá trị của đạo Phật thì nước đó phát triển và ngày càng tốt đẹp. Chẳng hạn thời Lý - Trần văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam rất phát triển.

Khi khoa học phát triển, nhiều tôn giáo vất vả đối phó, thậm chí chống đỡ với khoa học để chứng minh sự đúng đắn của mình thì ngược lại, khoa học lại luôn chứng minh và tôn vinh những quan điểm của đạo Phật. Khi ta chưa có ngành thiên văn học, Đức Phật đã nói tới việc chúng ta tồn tại trong rất nhiều thế giới, đặc biệt nhiều cõi giới mà ta không nhìn thấy. Ngày nay, các khoa học đã và chứng minh những điều ấy.

Các giá trị của đạo Phật không xung đột với khoa học. Đạo Phật đã đem tới rất nhiều điều giá trị cho thế giới này, kể từ đêm Đức Phật thành đạo ấy. Vì thế, ta muốn đề xuất UNESCO công nhận ngày Đức Phật giác ngộ là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.

Phóng viên: Phải chăng theo thời gian thì ý nghĩa ngày Phật Thành Đạo đang bị mai một, rất cần được bảo tồn và tôn vinh?

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang: Đúng như vậy. Đạo Phật có nhiều phái tu tập khác nhau. Dù kinh điển Phật giáo Bắc Tông và truyền thống các chùa Bắc Tông đề cao ngày Đức Phật giác ngộ dưới bồ đề, song số chùa còn giữ được truyền thống tổ chức ngày lễ Phật Thành Đạo hàng năm không nhiều. Ý nghĩa của việc tu tập, hướng đến sự giác ngộ cũng vì thế bị sao nhãng. Chùa chúng tôi là một trong số ít chùa hàng năm tổ chức Đại lễ Phật Thành Đạo. Thiền Tôn Phật Quang tổ chức Đại lễ Phật Thành Đạo thường thu hút khoảng 3-5 vạn người tham dự, cho thấy nhu cầu cũng như ý nghĩa của việc tổ chức tôn vinh ngày Đức Phật giác ngộ trong đời sống hiện đại.

Nếu được UNESCO tôn vinh thì chắc chắn nhiều chùa sẽ khôi phục lại lễ Phật Thành Đạo, giữ gìn và phát triển được truyền thống đạo Phật lâu đời của dân tộc. Theo tôi được biết, hiện cũng đã có một số chùa trở lại làm đại lễ này sau nhiều năm quên lãng.

Phóng viên: Được biết sáng kiến của Thượng tọa, Tiến sĩ thu hút rất nhiều sự quan tâm của công luận?

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang: Sau khi có bài nói chuyện của thầy về đề tài này, rất nhiều báo, tạp chí đã đưa tin và ủng hộ. Nhiều cơ quan truyền thông quan tâm.

Về kinh tế, có thể Việt Nam chưa phải là một cường quốc, nhưng về văn hóa về tinh thần thì Việt Nam vẫn là một trung tâm lớn. Thầy hy vọng Nhà nước, Giáo hội, các cơ quan chức năng và người dân sẽ cùng đề xuất lên Tổ chức UNESCO công nhận ngày Đức Phật giác ngộ là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang về cuộc trò chuyện thú vị này.

Nguyễn Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.