Nâng cấp huyết mạch giao thông lên Tây Nguyên: Những dặm đường mùa Xuân

Tuyến giao thông độc đạo, quan trọng nhất kết nối Tây Nguyên với các khu vực biển và biên giới, thông thương với 2 nước Lào và Campuchia - Quốc lộ 19 nhiều năm qua đã trở thành “cung đường khốn khổ, ám ảnh huyết mạch” với nhiều hệ lụy về dân sinh, kinh tế đối với miền Trung nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Việc triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 dài khoảng 143km, do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thông thương, kết nối từ Cảng Quy Nhơn với Tây Nguyên, khu vực Đông Bắc Thái Lan theo trục hành lang Đông - Tây.
Những mét thảm đầu tiên của gói XL-4B ngay tại của ngõ TP Pleiku
Những mét thảm đầu tiên của gói XL-4B ngay tại của ngõ TP Pleiku.

“Áo mới” cho những cung đường

Dự án tiến hành thành nâng cấp khoảng 127km Quốc lộ 19 trên địa phận các tỉnh Bình Định và Gia Lai, xây dựng mới khoảng 27 - 35km tuyến tránh đường cấp III với tổng vốn đầu tư 155,8 triệu USD, có 8 gói thầu xây lắp, thời gian bắt đầu thi công từ tháng 12/2021. Qua đó, sẽ hoàn thành nâng cấp đồng bộ nền đường rộng 12m, thảm bê tông nhựa 2 lớp, hệ thống thoát nước 2 bên cùng hệ thống an toàn giao thông, đảm bảo cho xe lưu hành với vận tốc 80km/h.

Đây là một thách thức lớn cho quá trình triển khai, bởi trên thực tế QL19 đang xuống cấp nghiêm trọng, quy mô chỉ hai làn xe, mặt đường chỉ rộng khoảng 7 - 9m với tốc độ di chuyển 50 - 60km/h, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, dài gần 130km nhưng di chuyển từ Bình Định đến Gia Lai phải mất tới 6,5 đến 7 tiếng.

“Đó là chưa kể, lúc dự án bắt đầu vận hành thì cũng là thời điểm mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu, kéo dài liên tục trong 6 tháng đã làm công trường ngưng trệ hoàn toàn, dường như không một loại phương tiện thi công nào có thể chịu nổi sự dính bám của đất đỏ Bazan của miền đất này” - ông Hoàng Văn Khoa, Tổ trưởng ĐHDA văn phòng TP Pleiku cho biết.

Vì vậy, ngay sau thời điểm kết thúc mùa mưa (từ tháng 11/2022), Ban QLDA đã chỉ đạo toàn bộ nhà thầu tại 8 gói thầu huy động tổng lực về nhân lực, trang thiết bị, nguyên liệu…đồng loạt triển khai các hạng mục với tinh thần “có công địa đến đâu, thi công đến đấy”, chủ động linh hoạt trong đẩy nhanh tiến độ mỗi gói thầu. Điều này được thể hiện rất rõ ngay tại gói 4B thi công trong khu vực nội đô TP Pleiku (Gia Lai), do Cty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên và Cty CP XL và Cơ khí Phương Nam thực hiện.

Theo đó, gói thầu sẽ triển khai thi công mở rộng, nâng cấp mặt đường và xây dựng tuyến mới gần 16 km QL19 và tuyến tránh Pleiku, nhà thầu Thuận Nguyên đã hoàn tất việc đào đắp, làm rãnh toàn tuyến, huy động cả Trạm thảm bê tông nhựa loại 120 tấn/h lẫn Trạm bê tông xi măng công suất 60m3/h phục vụ việc thảm mặt đường cũng như hoàn tất thi công 2 cầu trên tuyến.

“Chúng tôi bắt đầu thảm bê tông nhựa bên phải tuyến từ ngày 31/12/2022, dự kiến trong tháng 4/2023 sẽ hoàn tất việc thảm 100% phần việc mà Thuận Nguyên đảm nhận tại gói thầu này, là một trong những nhà thầu đầu tiên của dự án về đích tại các hạng mục nâng cấp mặt đường” - ông Bùi Tá Thuận - PGĐ Cty này khẳng định.

Trạm bê tông nhựa công nghệ Đức công suất 180 tấn/h của Cty 656 đã sẵn sàng phục vụ thảm đại trà toàn tuyến
Trạm bê tông nhựa công nghệ Đức công suất 180 tấn/h của Cty 656 đã sẵn sàng phục vụ thảm đại trà toàn tuyến.

Còn tại công trường tuyến tránh TP Pleiku mặc dù phải thay đổi phương án xử lý kỹ thuật do Bộ GTVT chấp thuận, thực hiện gia tải nền đất yếu 3 tháng, nhưng cho đến nay, nhà thầu đã thi công xong lớp đất đắp K95, dự kiến tháng 2 sẽ bắt đầu thi công lớp đất đắp K98, tháng 3 triển khai các lớp cấp phối lớp đá dăm. Điều đặc biệt, Cty Thuận Nguyên đã chuẩn bị 100% nguyên vật liệu thi công hệ thống nền móng, mặt đường, dự trữ khối lượng lớn đá dăm, nhựa đường, trạm thảm… phục vụ hoàn thiện công trình. Nhờ sự chủ động này, tiến độ thi công sẽ được đẩy nhanh hơn, đảm bảo thực hiện thảm bê tông nhựa trước ngày 30/4/2023, hoàn thành gói thầu trong tháng 5, vượt tiến độ Ban QLDA yêu cầu.

Quyết tâm thi công này cũng được thể hiện tại gói thầu cuối tuyến giáp biên giới Campuchia, cửa khẩu Lệ Thanh với chiều dài 19 km, do Liên danh các Cty Trico, Công ty CPXD 203, Công ty CPXDTM 559. Liên danh này đã hoàn thành thi công nền đường mở rộng đạt trên 90%, chuyển sang giai đoạn thuộc “đường găng tiến độ” là bù vênh và thảm hoàn thiện mặt đường.

Hiện nay, Công ty Trico đã hoàn thành thi công thử và công thức trộn bê tông nhựa, đủ điều kiện chuyển sang thi công đại trà, phấn đấu trước 30/4/2023 sẽ hoàn thành hạng mục bê tông nhựa. Đây là những nổ lực đáng ghi nhận của Liên danh gói thầu XL-07 trong điều kiện triển khai công trình gặp bất lợi về thời tiết, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn giao thông, công địa thi công chật hẹp, lưu lượng xe lưu hành luôn vượt công suất thiết kế.

Sớm “nở hoa kết trái”!

Nhìn nhận lại chặng đường hơn 1 năm triển khai dự án, ông Nguyễn Ngọc Tân - GĐ Điều hành cũng nói rằng: Quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, mất nhiều thời gian xử lý do đặc thù việc vay vốn ODA từ Úc, tuyến đường thi công trải dài thuộc nhiều địa hình khác nhau, khơi thông được các thủ tục thì gặp ngay thời tiết bất lợi… làm nhiều thời điểm tiến độ bị chậm lại so với yêu cầu. Tuy nhiên, với những cố gắng tổng lực của các lực lượng thi công nên đến nay có 7/8 gói thầu đáp ứng và vượt tiến độ, chỉ còn 1 gói gặp khó khăn do năng lực của nhà thầu.

Tuyến tránh TP Pleiku được xây dựng mới đã thành hình
Tuyến tránh TP Pleiku được xây dựng mới đã thành hình.

Công trường bước vào giai đoạn “tăng tốc”, tinh thần quyết tâm về đích là nỗ lực chung của các nhà thầu trên toàn tuyến, trong đó gần đây có thêm những nhân tố tích cực như: Cty TNHH Giang Tùng (gói XL05) Cty CPXD Tổng hợp Quảng Trị (gói XL03), Cty CPXD và Lắp máy Trung Nam E&C (gói XL01)… với khối lượng đào rãnh, mở rộng mặt đường đạt 60 - 80%, thực hiện thảm tăng cường, hoàn thiện mặt đường những km đầu tiên.

Dù mọi việc chưa phải đã trọn vẹn, thậm chí còn những lời phàn nàn về các bất cập trong tình hình vừa thi công vừa đảm bảo giao thông nhưng những ai thường xuyên có mặt trên tuyến đường “xuống Biển, lên Rừng” của Tây Nguyên này đều ghi nhận: Việc đi lại trên toàn tuyến đã dần trở nên êm thuận, dễ dàng hơn, nhiều khu vực đã không còn “ổ trâu, ổ voi”, hằn vệt bánh xe trầm trọng như trước, nhiều cung đường vắt qua núi đồi miền Cao Nguyên đã trở thành điểm dừng chân cho du khách. Điều này sẽ dần trở thành hiện thực vì những nỗ lực hết mình của các nhân tố thực hiện dự án, những trắc trở của sự khởi đầu đã được bỏ lại, những “đường găng” sắc nét trên các công trường đã được mở ra… và hứa hẹn sớm “nở hoa kết trái” từ mùa Xuân này…

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.