Những xê dịch của Tết cổ truyền trong thời đại 4.0

Cuộc Cách mạng 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, dần làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, tư duy, cảm xúc… Những thay đổi đó khiến không ít người trăn trở, đặc biệt khi đặt bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có Tết cổ truyền của dân tộc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự háo hức, niềm mong mỏi

Thời điểm cận Tết thường là khoảng thời gian bận rộn nhất, cũng là mùa mua sắm lớn nhất năm. Người người, nhà nhà, dù ít hay nhiều, khá giả hay bình dân cũng muốn sắm sửa mọi thứ thật sớm cho một năm mới sum vầy, sung túc nhất có thể. Cuộc sống hiện đại, thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều.

Nếu như ngày trước, công tác chuẩn bị cho ba ngày Tết rục rịch từ đầu tháng Chạp, các bà, các mẹ lo trữ gạo, nếp, đậu, bánh, kẹo, măng, miến, rau củ làm các loại dưa muối.... Từ ngày 23 ông Táo về trời là lo tìm mua thịt, giò chả, lá dong, lạt buộc,… chuẩn bị gói bánh và những món ăn truyền thống. Nhà nào đông người hay có điều kiện thì mổ một con lợn, nhà ít người hoặc điều kiện không tốt bằng thì chung nhau hai, ba, bốn nhà một con. Bánh chưng thì giàu nghèo gì cũng phải gói, nhưng không phải nhà nào cũng có cái nồi to và rộng để luộc đủ ba bốn chục bơ gạo bánh. Cả làng, cả xóm chỉ có đôi ba nhà, vì vậy phải chuyền tay nhau, sắp xếp lịch mượn và trả cho gia chủ vào chiều ngày 30 trước lúc thắp hương đón giao thừa, trước khi tiếng pháo nổ rền vang mừng năm mới.

Bên cạnh sắm sửa Tết cho nhà mình, thì nghi thức biếu quà, lễ Tết cho ông bà, bố mẹ, họ hàng, nhất là với những người con xa nhà khi nào cũng được chuẩn bị chỉn chu. Điều đó thể hiện sự quan tâm, lòng thành kính, biết ơn của con cháu sau một năm chăm chỉ làm việc và cống hiến, cũng là phong tục truyền thống tốt đẹp của mỗi xóm làng mỗi dịp Tết đến xuân về.

Phong tục lì xì trong ngày Tết dành cho các cụ cao niên trong gia đình, nội tộc, hay lì xì cho trẻ nhỏ cũng được chu đáo chuẩn bị với những tờ tiền thơm mùi giấy mới trong phong bao đỏ lấy may.

Tất cả nghi thức đều chứa đựng sự háo hức, hân hoan, gửi gắm những niềm tin, niềm mong mỏi cho một năm mới với nhiều sức khỏe, bình an, may mắn cho cả gia đình, nội tộc.

“Ăn Tết” được thay bằng khái niệm “đón Tết, chơi Tết”

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng đủ đầy, khi mâm cơm ngày thường đã đầy ắp những món ngon, sơn hào hải vị thì việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. “Ăn Tết” giờ được thay bằng khái niệm “đón Tết, chơi Tết”. Việc mua sắm cũng không cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi tới siêu thị, trung tâm thương mại là có thể sắm đủ bằng một lần quẹt thẻ. Thậm chí, các bà nội trợ không cần ra tới chợ, chỉ cần ngồi nhà với 1 chiếc smartphone và vài cú click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay.

Hình ảnh chiều 29, 30 Tết cả nhà quây quần bên chiếu gói bánh chưng, mẹ đãi gạo, đãi đậu, ướp thịt, các con lau lá bánh, bố ngồi xếp bằng tỉ mỉ, cẩn thận, ngắm vuốt từng chiếc lá dong, gói những chiếc bánh vuông vức trong tiếng cười vui rộn rã đã thưa vắng dần. Người ta lên mạng, có thể dễ dàng lựa chọn loại bánh đủ kích cỡ, giá tiền, chay mặn theo nhu cầu và muốn lúc nào có hàng lúc đó. Không chỉ những món ăn truyền thống thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh mà ngay cả những món ăn, thức uống tây tàu đều có thể đặt mua và giao hàng tận nhà.

Bận bịu quá, các bà nội trợ có thể lựa chọn những gian bếp online với các món gà luộc buộc cánh tiên ngậm cành hoa hồng cúng Giao thừa, mùng Một. Ngay cả mâm cơm cúng, mâm cỗ Tết, những đồ ăn sẵn như giò lụa, thịt đông, nem chả… lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ.

Không chỉ mua sắm online, mà công nghệ 4.0 còn giúp cho mọi người, tại mọi miền Tổ quốc, hay ở những quốc gia khác nhau dễ dàng kết nối, trò chuyện với nhau. Nếu như trước đây, khi phương tiện giao thông còn khó khăn, internet và smartphone chưa phổ biến, những người con ở phương xa luôn cảm thấy day dứt, tiếc nuối nếu như không về quê đón Tết với gia đình hay chỉ biết gửi gắm tình cảm, niềm nhớ thương khôn nguôi thông qua những lá thư, cánh thiệp. Thì ngày nay, công nghệ phát triển, thông qua nhiều ứng dụng xã hội như zalo, messege chat, livestream, viber…, dù ở tận phương trời nào cũng có thể kết nối giúp rút ngắn khoảng cách không gian và khỏa lấp nỗi nhớ mong.

Trước đây người ta gặp nhau dịp Tết, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau lời chúc và tặng nhau phong bao lì xì đỏ chói lấy hên, nhưng giờ đây, chỉ bằng một cái chạm, người ta lì xì bằng cách chuyển khoản, qua thẻ cào điện thoại cũng vừa lòng nhau.

Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại vì họ cho rằng hàng ngày quá bận rộn mưu sinh nên lễ, Tết sẽ là thời gian riêng tư ngơi nghỉ hay hưởng thụ các sản phẩm tinh thần như xem phim, tham gia lễ hội âm nhạc... Từ tháng 9, tháng 10 đã tìm mua tour du lịch Tết, mua sớm vì sợ hết chỗ.

Không phủ nhận được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm con người xích lại gần nhau hơn. Cuộc sống thay đổi nhiều, hiện đại, tiện lợi hơn rất nhiều, sự giao lưu giữa mọi người trở nên đa dạng hơn, giải quyết được vấn đề khoảng cách thông tin liên lạc, giao lưu, giao tiếp xã hội. Song những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương, gắn kết, sum vầy giữa người với người, những giá trị truyền thống do chính con người tạo nên thì công nghệ không thể nào thay thế được.

Sự đan cài - là những dịch chuyển, xê dịch, thay đổi giữa Tết truyền thống và hiện đại cũng là phù hợp với xu hướng để mỗi người cảm nhận cái Tết theo cách của riêng mình. Và dù có thế nào thì luôn có những điều không thể thay đổi: Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn trở về với gia đình, dành cho ông bà, bố mẹ những tình cảm, lời chúc chân thành từ tận trái tim.

Hương vị Tết sẽ còn thay đổi nhưng suy cho cùng giá trị cốt lõi vẫn nằm ở con người, do con người kiến tạo và lưu giữ. Khi ý thức được điều này, không chỉ những giá trị của Tết cổ truyền mà còn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác sẽ được lan tỏa, gìn giữ.

Sự khác biệt của giao thông Hà Nội những ngày trước và trong Tết
Cụ bà 70 năm “thổi hồn” vào những tà áo dài truyền thống

Mai Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.