Độc đáo những lễ Tết của người Dao ở Ba Vì

Ngoài cành đào, bánh chưng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, còn có những ngày Tết riêng với nét độc đáo.
Ngày Tết, người Dao ở Ba Vì sẽ mặc những trang phục truyền thống của mình để đón khách
Ngày Tết, người Dao ở Ba Vì sẽ mặc những trang phục truyền thống của mình để đón khách.

Lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Vì

Trong tiếng trống, phách nhịp nhàng cùng tiếng tụng niệm rổn rảng của thầy cúng, bà Phùng Thị Thắng, SN 1951, ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, ngày hôm nay bà làm lễ cấp sắc cho cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành. Bà bảo, phong tục tập quán của người Dao, lễ cấp sắc chỉ làm cho con trai trong nhà.

Theo quan niệm của người Dao, đàn ông đã lập gia đình, có vợ, có con nhưng chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị coi là trẻ con. Người chưa được cấp sắc là chưa có tên âm, chưa được tham gia vào các công việc hệ trọng của gia đình, của bản làng, không được giúp việc cho thầy cúng...

Người Dao cũng quan niệm rằng, phải trải qua lễ cấp sắc thì mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác, các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của thần linh, gia tiên và có sự chứng nhận của họ hàng bên nội, bên ngoại, bà con dân bản.

Mân cỗ trong Tết nhảy của người Dao Ba Vì
Mâm cỗ trong Tết nhảy của người Dao Ba Vì.

“Để có thể làm lễ cấp sắc thì gia đình phải chuẩn bị rất nhiều đồ như gà, lợn, măng khô, cơm trắng... Và những thứ ấy cũng có những số lượng cụ thể, như phải có đủ 3 con lợn, hơn chục con gà. Với nhiều lễ vật như vậy, gia đình cần chuẩn bị từ nhiều tháng, thậm chí là hàng năm trời” - bà Thắng cho biết.

Và muốn có được lễ cấp sắc như ngày hôm nay, theo bà Thắng, quan trọng nhất là bộ tranh thờ treo trong nhà. Để có được nó, bà phải tìm xuống quận Hà Đông, gặp người nghệ nhân hiếm hoi còn lại để đặt vẽ bộ tranh treo theo phong tục của người Dao. “Mỗi bộ tranh ấy bao gồm hàng chục chiếc tranh to và 2 chiếc tranh nhỏ. Cả bộ như nhà tôi thuê có giá trên 22 triệu đồng, thời gian hoàn thành đến gần 1 năm” - bà nói.

Chỉ riêng cái việc đem tranh về treo và hoàn thiện cũng lắm công đoạn. Để tranh có thể chính thức thờ cúng, ban đầu gia đình bà phải có một cái lễ khai quan. Sau lễ khai quan là Tết nhảy, cái Tết này cũng hết 3 ngày, 3 đêm… Sau thể thức trên, nhà bà mới coi như hoàn thiện tranh thờ để mà tiếp đến tổ chức lễ cấp sắc.

Trong lễ cấp sắc cũng có nhiều kiêng kị. Bà Thắng cho biết, đối với người được làm lễ sẽ phải giấu mặt ở trong phòng, kể cả vợ của người đó cũng không được xuất hiện cho đến khi các thầy gọi ra để chính thức… đặt tên. “Nếu ra sớm gặp những kiêng kị hoặc gặp những người không phù hợp thì sẽ không có lộc, không được ban trên phù hộ…”.

Mỗi thầy cúng trong lễ cấp sắc có những nhiệm vụ cụ thể
Mỗi thầy cúng trong lễ cấp sắc có những nhiệm vụ cụ thể.

Tết là ngày thể hiện tình cảm, sự gắn kết

Trực tiếp là thầy cúng trong lễ cấp sắc tại gia đình nhà bà Thắng, ông Dương Trung Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người dân tộc Dao. Bên cạnh đó còn có những lễ như Tết nhảy. Khác với lễ cấp sắc, Tết nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao. Là dịp cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt…

Theo ông Phong, trước đây, Tết nhảy thường được làm trong 3 năm liền, các năm tiến hành nối tiếp nhau. Chẳng hạn, năm đầu tiên làm 1 ngày 1 đêm, năm thứ hai làm 2 ngày 2 đêm và năm thứ ba làm 3 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa mới, hiện nay người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết nhảy 1 lần, mỗi lần thường kéo dài trong 1 đến 3 ngày nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo phong tục.

Đàn ông chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị coi là trẻ con
Đàn ông chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị coi là trẻ con.

Tết nhảy vẫn thường gồm 3 phần chính: Khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc. Trong phần khai lễ, thầy cúng sẽ lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ được xem là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất. Xuyên suốt phần khai lễ và chính lễ, thầy cúng và những người phụ lễ vừa nhảy múa vừa hát kết hợp với tiếng kèn, chuông, trống rộn ràng.

Nội dung câu hát, điệu nhảy trong Tết nhảy tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc giã, muông thú, bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân... Gia đình muốn tổ chức Tết nhảy phải hội đủ các điều kiện như: Không có tang ma, kinh tế thông thuận… và quan trọng nhất là phải được sự đồng ý của người có uy tín trong thôn làng.

Cũng trong câu chuyện, ông Phong còn thông tin, người Dao ở Ba Vì tuy vẫn còn giữ lại những lễ, hội phong tục truyền thống, tuy nhiên cũng giản lược đi nhiều.

Như phong tục cưới xin của người Dao hiện nay đã gọn nhẹ hơn rất nhiều so với trước. Trước đây, phong tục cưới hỏi của người Dao sẽ làm tuần tự theo 5 bước, gồm: Nghi thức hỏi tuổi; thách cưới/hẹn ngày đặt trầu; lễ đặt trầu; lễ cưới và tổ chức lễ lại mặt. Và để diễn ra lễ cưới hỏi ngay ban đầu phong tục tập quán đã quy định những lề lối rất chặt chẽ. Tuy nhiên, ngày nay các thủ tục được rút ngắn lại. Việc tổ chức cưới hỏi cũng gọn nhẹ hơn, được đơn giản hóa đi rất nhiều, song các nghi lễ vẫn được diễn ra long trọng, theo đúng phong tục tập quán của đồng bào.

Quan trọng nhất là bộ tranh thờ treo trong nhà
Quan trọng nhất là bộ tranh thờ treo trong nhà.

Nói về chuyện ăn Tết, theo ông Phong, ngoài cành đào, bánh chưng như người Kinh, người Dao cũng có những ngày, những phong tục riêng. “Ngày Tết của người Dao sẽ căn cứ vào ngày một ngày lễ chung. Theo đó, trong tháng cuối năm, người ta sẽ tìm đến thầy cúng trong làng để chọn 1 ngày nhất định để tổ chức lễ chung. Trong ngày đó, mọi người sẽ tụ tập lại cùng mổ lợn, gà, trâu… rồi chia nhau đem phần về nhà. Từ sau ngày lễ chung đó, người Dao mới chọn ngày ăn Tết cho gia đình mình”.

Người Dao ở Ba Vì tổ chức Tết bắt đầu từ tháng 12 dương lịch, kéo dài cho hết tháng. Mỗi gia đình sẽ tổ chức một ngày, mời bà con lối xóm, bạn bè gần xa về ăn Tết, sau đó cứ quay vòng đến nhà khác. Trong những ngày này, người Dao ở Ba Vì sẽ mặc những trang phục truyền thống của mình để đón khách. Bởi lẽ, người Dao coi trọng ngày Tết này vì thể hiện tình cảm, sự gắn kết, quan tâm lẫn nhau và cùng ôn lại một năm đã qua, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Độc đáo xem hội vật cầu nước độc nhất vô nhị của Việt Nam
Độc đáo những phong tục đón năm mới ở nhiều nước trên thế giới

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.