Cái bẫy cho vay nặng lãi

Ngại đến ngân hàng với nhiều thủ tục khi làm hồ sơ vay mượn, nhiều người dân đã tìm cách vay mượn người quen hoặc các đối tượng cho vay nặng lãi bên ngoài. Tuy nhiên, việc vay bên ngoài dễ thì có dễ, nhưng rất nhiều người không ý thức được rằng, đằng sau “miếng pho mát” ngọt ngào đó lại là chiếc bẫy chuột.
Đối tượng Bùi Thị Thanh tại CQCA
Đối tượng Bùi Thị Thanh tại CQCA

Vay 900 triệu trả… hơn 6 tỷ đồng

Mới đây, CA huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đang tạm giữ Bùi Thị Thanh (SN 1985, ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Trước đó, ngày 17/3/2022, Bùi Thị Thanh cho vợ chồng ông N (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức) vay số tiền 900 triệu đồng. Trong giấy vay nợ thể hiện Thanh cho vay với lãi suất 8 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Hai bên thống nhất tổng số tiền lãi phát sinh, "chốt nợ" đến ngày 31/12/2022 là hơn 6 tỷ đồng, tương đương mức lãi suất 2,336%/ngày và trên 840,965%/năm (vượt hơn 42 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ Luật dân sự).

Ngày 29/12/2022, khi Thanh đang nhận số tiền lãi 50 triệu đồng của vợ chồng ông Tôn Long Nguyên thì bị CA huyện Tuy Đức bắt quả tang. Tại CQCA, Thanh đã thừa nhận hành vi cho vay nặng lãi. Tổng cộng, đối tượng đã thu lợi bất chính của ông N số tiền gần 1,2 tỷ đồng từ việc cho vay nặng lãi.

Trước đó, ngày 23/12, Phòng Cảnh sát Hình sự - CA TP Hải Phòng đã tạm giữ hình sự Quách Đức Anh (SN 1996, ở quận Lê Chân) và Đinh Văn Linh (SN 2002, quê tỉnh Quảng Ninh) để điều tra về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Theo điều tra ban đầu, tháng 6/2021, do cần tiền gấp nên chị V.T.D (SN 1993, ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) vay của nhóm Đức Anh 25 triệu đồng, trả góp trong 28 ngày, mỗi ngày 1 triệu đồng. Trước khi cho vay tiền, Đức Anh yêu cầu chị V.T.D viết giấy vay nợ, chụp ảnh căn cước, sổ hộ khẩu và chỉ dẫn nhà đang ở.

Vài ngày sau đó, Đức Anh yêu cầu chị V.T.D phải đóng đủ tiền, nếu trả sau 17h hằng ngày sẽ bị phạt 50% tiền còn thiếu. Nếu nộp tiền sau 21h30 mỗi ngày thì bị phạt bằng cả số tiền thiếu. Còn chậm đến ngày hôm sau, thì phải nộp gấp 2 lần số tiền thiếu hôm trước. Nếu chậm 2 ngày trở lên thì bị phạt phải đóng tiền lại từ đầu. Sau 18 tháng (từ 6/2021-12/2022), với số tiền vay ban đầu là 25 triệu đồng, Đức Anh và Linh tính tổng nợ gốc, tiền phạt và tiền lãi đối với chị V.T.D là gần 900 triệu đồng. Người phụ nữ này đã trả cho các đối tượng gần 600 triệu đồng, còn thiếu 320 triệu đồng và tiếp tục bị các đối tượng bắt nợ. Bị dồn vào đường cùng, chị V.T.D đã làm đơn tố giác tới CQCA. Tại CQĐT, các đối tượng khai còn cho nhiều người khác vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Chúng cho con nợ vay dưới 2 hình thức “họ góp” với mức lãi suất từ 156%-608%/năm và “lãi nằm” với mức lãi suất 365%/năm.

Người cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý hình sự

Ngang nhiên cho vay nặng lãi bất chấp các quy định của pháp luật, không chỉ các cá nhân mà kể cả các hội, nhóm cũng đua nhau “kinh doanh” bằng hình thức vay mượn này. Thông tin từ CQCN cung cấp, mức lãi suất mà các đối tượng cho vay nặng lãi áp dụng tại các vụ việc được phát hiện dao động từ 120 - 720%/năm. Nguyên nhân mức lãi mà người bị hại thường gọi là bị "cắt cổ" xuất phát từ phương thức cộng gộp vốn + lãi quá hạn = vốn (tháng sau), cứ như vậy tịnh tiến, lãi mẹ đẻ lãi con nên hình thức cho vay nặng lãi trở nên siêu lợi nhuận.

Về việc cho vay nặng lãi, theo các chuyên gia pháp lý, những người cho vay nặng lãi tùy mức độ sẽ bị xử lý hình sự với mức án cao nhất là 3 năm tù, ngoài ra còn bị phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Theo đó, luật sư Hoàng Thị Rinh, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định. “Như vậy, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản sẽ do 2 bên thoả thuận tuy nhiên không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương mức lãi suất không quá 1,666%/tháng. Nếu vượt quá mức này thì khi xảy ra tranh chấp phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật” – luật sư Yến phân tích.

Ngoài quy định trong Bộ luật Dân sự, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đồng thời, hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự cũng được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…

Hải Dương: Khởi tố nhóm đối tượng cho vay nặng lãi
Hải Phòng: Triệt phá đường dây cho vay lãi nặng hơn 4 tỷ đồng
Triệt phá đường dây cho vay với lãi suất khủng, thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.