Hà Nội hoàn thiện hệ thống Văn phòng Thừa phát lại theo đúng Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ:

Tiên phong trong việc tổ chức và hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

Thi hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc triển khai thực hiện tổ chức hoạt động của Thừa phát lại (TPL)…
Sở Tư pháp Hà Nội đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng Đề án phát triển Văn phòng TPL
Sở Tư pháp Hà Nội đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng Đề án phát triển Văn phòng TPL

Đi đầu trong việc phát triển Văn phòng TPL

Theo tìm hiểu của PV, thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện. Ngày 5/5/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng TPL.

Mục tiêu của Đề án phát triển Văn phòng TPL lại là triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 21/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định TPL, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL; thực hiện chế định TPL trên địa bàn TP một cách đồng bộ, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của TP và tình hình phát triển của từng quận, huyện, thị xã.

Hoạt động của TPL phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ cơ quan, tổ chức Nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế; giảm tải công việc của Toà án, VKS và cơ quan THADS trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật. Phát triển Văn phòng TPL gắn với địa bàn dân cư; bảo đảm tổng số Văn phòng TPL trên địa bàn TP không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 Văn phòng TPL, địa bàn huyện có 1 Văn phòng TPL.

Việc phát triển Văn phòng TPL phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động TPL trên địa bàn TP. Đồng thời bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do TPL cung cấp của tổ chức, cá nhân, cũng như bảo đảm các điều kiện cần thiết để Văn phòng TPL phát triển ổn định và hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 93/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, ngày 8/5/2020, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1151/STP-BTTP gửi TAND TP Hà Nội, Cục THAND TP Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc thành lập Văn phòng TPL theo quy định tại khoản 1 Điều 21, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở văn bản cung cấp thông tin của TAND TP Hà Nội, UBND 7 quận, 12 huyện và thị xã Sơn Tây, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã xây dựng Dự thảo Đề án phát triển Văn phòng TPL trên địa bàn TP và gửi xin ý kiến các cơ quan như: TAND, VKSND, Cục THADS TP Hà Nội…

Số lượng thành lập các Văn phòng TPL phù hợp với quy định

Dự thảo Đề án phát triển Văn phòng TPL được Sở Tư pháp TP Hà Nội tham mưu xây dựng và gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, trong đó xin ý kiến của Cục Bổ trợ Tư pháp. Kết quả, về cơ bản các ý kiến đều đồng ý nhất trí, không có ý kiến nào đặt vấn đề về Đề án chưa có căn cứ đầy đủ vào các tiêu chí theo quy định.

Số liệu trong Đề án được tổng hợp trên cơ sở văn bản cung cấp thông tin của TAND TP Hà Nội về số lượng vụ việc tiếp nhận rong 3 năm 2018, 2019 và 2020 của TAND TP Hà Nội và TAND cấp huyện; thông tin dân cư, diện tích, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do các quận, huyện, thị xã cung cấp. Sở Tư pháp cũng đã có văn bản đề nghị nhưng sau đó không nhận được văn bản của Cục THADS TP Hà Nội về việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác TPL; số liệu của Cục THADS được Sở Tư pháp tải về từ Cổng thông tin điện tử của Tổng Cục THADS.

Đề án phát triển Văn phòng TPL trên địa bàn TP Hà Nội được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3545/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 đã nêu đủ cơ sở pháp lý, đã có căn cứ đầy đủ vào các tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 21, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và tình hình thực tiễn của TP và đã được xây dựng trên cơ sở tổng hợp số liệu về điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng TPL và kết quả hoạt động hành nghề TPL trên địa bàn TP; số lượng vụ việc thụ lý của TAND, cơ quan THADS trên địa bàn TP trong các năm 2018, 2019 và 2020.

Việc Đề án cho phép số lượng các Văn phòng TPL được thành lập 2 Văn phòng trên địa bàn quận và 1 Văn phòng trên địa bàn huyện là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và điều kiện thực tiễn của TP Hà Nội. Tại khoản 1 Điều 21 nghị định này có nêu 4 tiêu chí, trong đó: Có tiêu chí là định tính (về điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện; số lượng vụ việc thụ lý của Toà án, cơ quan THADS ở địa bàn cấp huyện và mật độ dân cư, nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng TPL), không có tiêu chí định lượng và quan hệ nhân quả để có thể xác định định lượng cụ thể Văn phòng TPL; đồng thời không giao UBND cấp tỉnh được quy định định lượng cụ thể các tiêu chí trên để làm cơ sở xác định số lượng Văn phòng TPL.

Duy nhất có tiêu chí định lượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21, Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định rõ tiêu chí “Phát triển không quá 2 Văn phòng TPL tại 1 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, TP thuộc tỉnh, thị xã; không quá 1 Văn phòng TPL tại 1 đơn vị hành chính huyện. Do đó, thuân thủ các quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 21, Nghị định 08/2020/NĐ-CP, khi tham mưu xây dựng Đề án, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã thu thập số liệu của các cơ quan chức năng và UBND các quận, huyện, thị xã để ra soát, căn cứ đủ 4 tiêu chí trên; đồng thời căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tiễn của TP Hà Nội để đánh giá thực tiễn, nhu cầu hoạt động TPL trên địa bàn TP và lấy ý kiến của của TAND, VKSND và Cục THADS TP Hà Nội đối với Dự thảo Đề án.

Trên cơ sở đó, đề xuất quy định thành lập 2 Văn phòng TPL tại địa bàn mỗi quận, thị xã và 1 Văn phòng TPL tại địa bàn mỗi huyện là hoàn toàn phù hợp và đúng với Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công bằng, đồng đều, không giới hạn số lượng, tạo thuận lợi để các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nguyện vọng được có cơ hội lựa chọn, đăng ký thành lập Văn phòng TPL, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ pháp lý do TPL cung cấp đối với người dân ở các địa bàn.

Bên cạnh sự phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn nêu trên, việc quy định số lượng thành lập Văn phòng TPL nêu trong Đề án cũng nhận được sự đồng tình, nhất trí của hầu hết các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Không những vậy, khi góp ý Dự thảo Đề án thì VKSND TP Hà Nội còn có đề nghị xem xét, bổ sung số lượng Văn phòng TPL lại được thành lập tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì…

Thực hiện Đề án thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội đã được Bộ Tư pháp phê duyệt từ năm 2013. Tính đến năm 2021, Hà Nội có 8 Văn phòng TPL tại các quận với 86 TPL đang hành nghề. Kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL cho thấy chế định TPL đã có những tác động nhất định đối với các hoạt động kinh tế, tư pháp và người dân Thủ đô. TPL bước đầu giúp cho người dân, cơ quan tổ chức trong việc tạo lập căn cứ để thực hiện giao dịch hợp pháp, làm căn cứ để Toà án xem xét khi giải quyết vụ việc, góp phần giúp cho các hoạt động kinh tế phát triển lành mạnh và ổn định.
Nguyên tắc kiểm tra tổ chức và hoạt động Thừa phát lại
Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại
Chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại

Quốc Doanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.