Lợi ích từ "chiếc thẻ toàn năng"

Nhận lại được số tiền đã đánh rơi hoặc tìm được người thân từ CCCD gắn chíp hoặc từ hồ sơ CCCD là những câu chuyện kỳ diệu từ hiệu quả của việc triển khai Đề án 06.
Lợi ích từ
Anh Hưng tìm lại được chiếc ví nhờ thông tin trên CCCD gắn chíp. Ảnh: CACC

Những câu chuyện kỳ diệu về CCCD gắn chíp

Mới đây, thông tin từ Công an TP Hà Nội, Công an phường Yên Phụ (Tây Hồ) vừa tìm và trao trả chiếc ví cùng số tiền hơn 35 triệu đồng cho người đàn ông đánh rơi thông qua thông tin trên thẻ CCCD gắn chíp.

Theo đó, khoảng 15h ngày 9/12, Công an phường Yên Phụ nhận được thông tin của anh T.P.H (SN 1994) và chị C.T.T.T (trú tại Xuân Trúc, Ân Thi, Hưng Yên) về việc vợ chồng anh nhặt được một chiếc ví màu đen tại khu vực đầu ngõ 310 Nghi Tàm, trong ví có một số giấy tờ tuỳ thân và số tiền mặt 35,5 triệu đồng.

Sau khi tiếp nhận, qua kiểm tra thông tin trên thẻ CCCD gắn chip kích hoạt định danh điện tử trong ví, Công an phường Yên Phụ đã nhanh chóng xác minh được số điện thoại của chủ tài sản, xác định người đánh rơi ví là anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1983, trú tại làng Yên Phụ). Ngay sau đó, công an đã liên hệ và mời anh Hưng đến trụ sở để trực tiếp trao trả lại chiếc ví.

Nhận lại được tài sản, anh Hưng vô cùng xúc động và vui mừng, trân trọng cảm ơn vợ chồng anh H, chị T và cán bộ chiến sĩ Công an phường Yên Phụ, bởi đây không chỉ là số tài sản lớn với gia đình anh mà còn có nhiều giấy tờ quan trọng khác đã được tìm lại.

Trước đó, câu chuyện cụ Lê Thị Hạnh (72 tuổi) đã tìm được nhân thân sau sau hơn 35 năm thất lạc từ hồ sơ CCCD đã khiến mọi người đều thấy ấm áp.

Theo đó, vào cuối tháng 10/2022, bà Lê Thị Hạnh cùng con trai đã tìm đến Công an xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam), nhờ tìm người thân, quê quán, họ hàng. Bà Hạnh cho biết, quê bà xưa gọi là tỉnh Hà Nam Ninh, khoảng năm 1987 do kinh tế khó khăn, bà cùng mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thời điểm đó, điện thoại chưa có, thông tin liên lạc khó khăn nên từ đó đến nay gia đình bà hoàn toàn mất liên lạc với những người thân. Năm 2015, mẹ bà Hạnh do tuổi cao sức yếu đã qua đời, nguyện vọng cuối cùng trước khi mất của bà là tìm được các chị của bà để các con nhận lại người thân, nhận lại quê hương.

Với quyết tâm thực hiện tâm nguyện của người mẹ đã khuất, bà Hạnh cùng con trai đã lên đường ra Bắc, cố gắng tìm về những địa danh khi xưa để tìm người thân, nhưng nhiều ngày tìm kiếm vẫn không có kết quả.

Qua lời kể và những thông tin ít ỏi, nhưng với sự nỗ lực, các CBCS Công an xã Thanh Sơn đã khẩn trương tiến hành khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi đối chiếu và so sánh tên tuổi những người mà bà Hạnh cung cấp, Công an xã Thanh Sơn đã tìm được những cái tên phù hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tên cụ Lê Thị Kiện (SN 1921), cụ Lê Thị Hơn (SN 1929). Cụ Kiện và cụ Hơn là các chị em gái của mẹ bà Hạnh. Hiện nay, cả hai cụ Lê Thị Kiện và cụ Lê Thị Hơn vẫn còn sống và đang cư trú tại thôn Thanh Nộn 2, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Trước đó, qua công tác xử lý hồ sơ CCCD, Công an thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã phát hiện một công dân ở địa phương là chị em sinh đôi với một người phụ nữ khác ở tỉnh Phú Yên, đã lạc nhau từ 47 năm trước.

Cụ thể, ngày 16/5, thông qua công tác xử lý hồ sơ CCCD, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thị xã Hoài Nhơn đã phát hiện khuôn mặt của bà Mai Thị Bền giống bà Đỗ Thị C. (ngụ thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Ngay sau đó, Công an thị xã Hoài Nhơn cử cán bộ đến nhà bà Bền, đồng thời liên hệ Công an xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để xác minh, làm rõ vụ việc.

Kết quả, bà Mai Thị Bền và bà Đỗ Thị C là chị em sinh đôi, đã thất lạc nhau từ 47 năm trước. Theo bà Bền, lúc khoảng 11 tuổi, bà bị lạc gia đình ở tỉnh Phú Yên, đi lang thang đến địa phận thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn. Sau đó, bà Bền được hai vợ chồng ở thôn Chương Hòa cưu mang, nhận làm con nuôi rồi sinh sống ở nơi này đến bây giờ.

Thời gian qua nhưng hình ảnh về gia đình, cội nguồn vẫn hiện diện trong tâm trí nên bà Bền nhiều lần muốn tìm người thân ruột thịt. Tuy nhiên, bà Bền chỉ nhớ mình còn một người chị ruột sinh đôi nhưng lại không nhớ rõ ở địa chỉ ở đâu.

Sau khi được cán bộ Công an thị xã Hoài Nhơn kết nối gặp nhau, hai chị em sinh đôi Đỗ Thị C - Mai Thị Bền đã rơi nước mắt vì quá xúc động. Không chỉ vậy, bà Bền cũng đã rất vui mừng vì đã tìm được nguồn cội của mình.

CCCD gắn chip – “tấm thẻ toàn năng”

Lợi ích từ
Các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác

Những câu chuyện kỳ diệu trên một lần nữa cho thấy ý nghĩa từ việc số hóa hồ sơ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Công an và sự kỳ diệu mà Đề án 06 mang lại.

Thừa nhận những lợi ích của Đề án 06 mang lại cho người dân, Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó trưởng CA quận Hoàng Mai cho rằng, việc tìm lại người thân thông qua CCCD, dữ liệu dân cư quốc gia là một trong những lợi ích, tiện ích mà Đề án 06 mang lại cho người dân. Bởi lẽ, dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân là trung tâm.

Theo đó, Thượng tá Thắng cho biết, theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện.

Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.

Ngoài ứng dụng nổi bật với thẻ CCCD gắn chip, mới đây, Bộ Công an đã thực hiện cấp thêm tài khoản định danh điện tử cho người dân thông qua cấp CCCD, điều này giúp gia tăng thêm tiện lợi cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính công trên môi trường online. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Thắng cho biết, việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các giao dịch điện tử.

“Vì thế, việc sẽ có những câu chuyện kỳ diệu như trên là chuyện sẽ còn xảy ra khi thực sự hoàn thành các bước trong Đề án 06”, Thượng tá Thắng nói.

Huyện Gia Lâm tích cực đưa Đề án 06 vào cuộc sống
Triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ
Quận đoàn Hoàng Mai chủ động, tích cực hỗ trợ thực hiện Đề án 06
Hà Nội đôn đốc thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.