Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi khi mua bán trên mạng xã hội

Khi hai bên gặp nhau, đối tượng vờ kiểm tra điện thoại như thể có nhu cầu mua thật, sau đó thỏa thuận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, đối tượng không chuyển khoản ngay mà chọn hình thức đặt lịch chuyển khoản và đưa cho người bán xem giao dịch thành công rồi cầm điện thoại đi mất.
Đối tượng Nguyễn Đình Mạnh tại cơ quan Công an.
Đối tượng Nguyễn Đình Mạnh tại cơ quan Công an.

Ngày 16/12, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết đang tạm giữ Nguyễn Đình Mạnh (SN 1992; ở phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra hành vi lừa đảo.

Theo cơ quan Công an, đây là thủ đoạn lừa đảo mới khi đối tượng rất tinh vi tạo ra nhiều tài khoản mạng xã hội “ảo” rồi vào bình luận trên trang “Mua bán điện thoại cũ Hà Nội”. Các tài khoản này của Mạnh tự tương tác với nhau để tăng thêm phần uy tín, làm nhiều người sập bẫy.

Trước đó, vào sáng 14/10, Mạnh sử dụng nick Facebook ảo tự tạo để bình luận vào nhóm “Mua bán điện thoại cũ Hà Nội”. Thấy một tài khoản đăng bán điện thoại iPhone 11 Promax màu đen với giá 9,8 triệu đồng, Mạnh liền bình luận trong bài viết với nội dung đồng ý mua, hẹn gặp người này giao hàng tại ngõ Phất Lộc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chiều 15/10, Mạnh nhận được điện thoại thông báo giao hàng. Khi hai bên gặp nhau, đối tượng vờ kiểm tra điện thoại như thể có nhu cầu mua thật, sau đó thỏa thuận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, đối tượng không chuyển khoản ngay mà chọn hình thức đặt lịch chuyển khoản và đưa cho người bán xem giao dịch thành công rồi cầm điện thoại đi mất.

Ngày 16/10, Mạnh mang chiếc điện thoại đến phố Đặng Dung, quận Ba Đình, Hà Nội bán được hơn 8 triệu đồng. Trước đó, với cùng thủ đoạn, ngày 9/10, Nguyễn Đình Mạnh đã lừa đảo, chiếm đoạt chiếc điện thoại iPhone 12 Promax màu xanh, sau đó bán được 16,7 triệu đồng.

Với hình thức lừa đảo mới này, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với phương thức thanh toán bằng cách chuyển khoản nhưng đặt lịch chuyển mà không chuyển ngay để thể hiện giao dịch vẫn báo thành công.

Vì nếu tài khoản không có tiền hoặc ngay sau đó hủy giao dịch thì nghiễm nhiên, đối tượng xấu sẽ chiếm đoạt thành công tài sản. Sau đó, tội phạm chỉ cần chặn người gọi hoặc bỏ sim “rác” đã sử dụng để bị hại không thể tìm thấy.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh Cảnh sát PCCC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Gần 400 trang mạng xã hội giả mạo công an để lừa đảo, câu like

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.