Nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm ở Phú Quốc.
Nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghề làm nước mắm Phú Quốc vinh dự nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Sáng 16/12, tại TP Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm ở Phú Quốc của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng.

Nghề làm nước mắm Phú Quốc đã được hình thành hơn 200 năm trên đảo Ngọc với quy trình sản xuất nước mắm như: Cá được đánh bắt và muối ngay trên tàu, đem về ủ chượp trong thùng gỗ thiên nhiên đặc biệt, trong thời gian từ 12-15 tháng, sau đó cho ra thành phẩm nước mắm.

Được thành lập vào năm 2000, Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc hiện có 54 hội viên là chủ nhà thùng, các cơ sở sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở hai phường Dương Đông và An Thới, thành phố Phú Quốc, có tổng cộng 7.009 thùng gỗ chượp cá; sản lượng hằng năm từ 20-30 triệu lít nước mắm 25 độ đạm trở lên…

Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đã chủ động đề xuất xây dựng và đăng ký xuất xứ hàng hóa – chỉ dẫn địa lý. Đến tháng 6/2021 nước mắm được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa – chỉ dẫn địa lý: “Phú Quốc” cho nước mắm sản xuất tại Phú Quốc.

Đến năm 2012, sau nhiều năm nỗ lực, nước mắm Phú Quốc đã là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý tại 28 nước Liên minh Châu Âu. Năm 2017 được Nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm. Đến tháng 5/2021 được Bộ VH,TT&DL chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại buổi lễ, nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự kiện vô cùng quan trọng không chỉ đối với người làm nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc, mà còn có giá trị thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý Nhà nước đối với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của Kiên Giang; góp phần bảo đảm chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tại buổi lễ, 5 tập thể 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, vì có những đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Ngay sau lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc.

Tôn vinh 628 “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới”
Trách nhiệm bảo vệ di sản là của toàn dân

Dương Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.