Cẩn trọng khi mua thực phẩm Tết trên mạng

Trong tháng cuối năm, nhất là dịp giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng mạnh. Người tiêu dùng (NTD) cần đề phòng thủ đoạn gian lận thương mại, tránh mua phải hàng kém chất lượng, nhất là trên các kênh bán hàng trực tuyến (online), mạng xã hội…
NTD cần cẩn trọng khi chọn mua thực phẩm Tết được rao bán trên các trang mạng
NTD cần cẩn trọng khi chọn mua thực phẩm Tết được rao bán trên các trang mạng.

Tăng cường công tác quản lý thị trường dịp cao điểm

Dịp giáp Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao và sự đa dạng về chủng loại, vấn nạn hàng giả, thị trường các loại thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe NTD. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Các đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề an toàn thực phẩm tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; phạt hành chính và thông báo tên, địa chỉ liên quan tới cơ sở vi phạm qua các phương tiện thông tin đại chúng. Văn bản chỉ đạo thường xuyên triển khai công tác này, tập trung vào dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tết dương lịch...”.

Ngoài công tác kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ cấp TP đến quận, huyện, xã, phường. Bên cạnh đó còn tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành về an toàn thực phẩm đối với DN, người chế biến, kinh doanh thực phẩm. NTD cũng luôn được cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng trên các cổng thông tin điện tử, bản tin tuyên truyền.

Bà Lê Thị Hằng cho biết, cách cơ bản để kiểm tra đánh giá thực phẩm đạt chất lượng: Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi lấy mẫu thực phẩm ngoài thị trường cũng như tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để phát hiện, xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và cảnh báo trong cộng đồng.

Các cơ quan chức năng đều nhận định, dịp cuối năm luôn là thời điểm nóng và mức độ nguy hiểm từ việc buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, nên việc kiểm tra luôn được sát sao, triệt để. Ngay từ đầu tháng 12, Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế CA quận Bắc Từ Liêm và Đội QLTT số 22 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra, phát hiện gần 1 tấn cánh gà và ức vịt đông lạnh không có hóa đơn chứng từ.

Cùng thời điểm đó đội kiểm soát trên QL 32 và đường tránh QL 32, lực lượng chức năng đã phát hiện một xe tải chứa nhiều thùng các-tông in chữ Trung Quốc có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Khi kiểm tra, lái xe khai nhận số hàng trên là mứt, kẹo phục vụ cho dịp Tết và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cẩn trọng khi mua thực phẩm Tết trên mạng

Trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động mua bán hàng online, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, khách hàng mua hàng trên mạng sẽ có nguy cơ mua phải những sản phẩm được quảng cáo, giới thiệu là đồ “nhà làm”. Loại thực phẩm “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng) khó kiểm soát chất lượng…

Các chuyên gia khuyến cáo, NTD chỉ mua thực phẩm đóng gói có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cần quan sát kỹ đầy đủ thông tin trên bao bì sản phẩm quy định như: Tên sản phẩm, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, định lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo. Đối với sản phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.

Đối với các sản phẩm mứt khô, cần chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế những sản phẩm có nhiều màu; chọn sản phẩm bao bì còn nguyên vẹn, được bày bán ở nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Cần quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm, nếu phát hiện mứt bị mốc, có mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không mua.

Ngày nay người dân thường chọn những giỏ quà làm quà Tết. Vì thế nên người dân cần lựa chọ từng sản phẩm kiểm tra kỹ hạn sử dụng của riêng từng loại sản phẩm, sau đó mới yêu cầu người bán xếp thành giỏ quà. Không lựa chọn những hộp, thực phẩm khi có dấu hiệu hộp bị phồng, ôi thiu, mốc hỏng.

Nhiều DN cam kết sẽ đưa ra giá bán bình ổn, thậm chí tăng khuyến mãi đối với thịt heo, thực phẩm chế biến từ thịt dịp cuối năm, nên người dân không nên còn thói quen tích trữ thực phẩm đủ ăn trong và sau Tết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: Người nội trợ phải chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Khi mua thực phẩm tươi sống thì cần chọn loại tươi, sạch, không có mùi ôi thiu. Không ăn thực phẩm đã quá hạn sử dụng, ngay cả khi chúng không bị mốc và không có mùi. Khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, cần giữ nhiệt độ dưới 5ºC để ngăn chặn vi trùng có hại phát triển và sinh sôi; tránh chất đầy tủ lạnh.

Để đồ đầy trong tủ làm ảnh hưởng đến việc không khí không thể lưu thông tốt, ảnh hưởng đến nhiệt độ chung. Ngày nay thực phẩm đầy đủ quanh năm nên nhu cầu ăn uống ngày Tết cũng không quá nhiều. Nhiều siêu thị, cửa hàng... mở cửa xuyên Tết, vì vậy chúng ta nên mua vừa phải, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm”.

Người phụ nữ ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô mua trên mạng
Cẩn trọng với sản phẩm “giá rẻ giật mình” trên mạng
Cẩn trọng với các website bán vé máy bay giả dịp cận Tết

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.