Những chuyến “tham quan 0 đồng”: Người dân cần phải chủ động cảnh giác

Chuyện lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những người cao tuổi, các chuyến “tham quan 0 đồng” có dấu hiệu tiếp diễn và len lỏi vào sâu các đoàn, hội dân cư. Không ít người ngậm đắng nuốt cay mất tiền, ôm về một đống các sản phẩm… không hề có sự kiểm duyệt về chất lượng.
Những chuyến “tham quan 0 đồng”: Người dân cần phải chủ động cảnh giác
"Chuyến tham quan 0 đồng" thực chất là để bán sản phẩm giá cao

“Quả lừa đau đớn”

Mới đây, câu chuyện của bà N.T.N (Thanh Xuân, Hà Nội) đăng tải trên một hội nhóm xã hội được nhiều người quan tâm và chia sẻ. Theo đó, trong bài viết, bà N. đã kể lại câu chuyện mà bà cho rằng đó là một “quả lừa đau đớn” mà hội phụ nữ phường “nhận” được.

Câu chuyện diễn ra vào ngày 9/12/2022, hội phụ nữ phường có tổ chức đi lễ đền Đô và chùa Phật Tích. Khi gần đến đền thì có mấy thanh niên nhảy lên xe, họ bảo họ đã làm việc với phường, có trách nhiệm đưa đoàn đi lễ, tham quan, ăn trưa xong dự hội thảo. Mặc dù rất băn khoăn, nhưng các bà cũng không có phản ứng quyết liệt, đồng thời vẫn để những thanh niên này đi theo và hướng dẫn…

Có lẽ nắm vững được tâm lý của các bà trong hội, đám thanh niên này đã “phủ đầu” bằng các chiêu trò “dùng thử”. Có nghĩa mua 1 tặng 1 và số lượng sản phẩm có hạn. Sau đó các thanh niên này tiếp tục thuyết trình về từng loại, cố tình nhấn công dụng của sản phẩm phù hợp với bệnh của người già như mất ngủ, huyết áp, tim mạch, tiểu đường…

“Vậy là từng thứ một được ra giá. Các bà mua xong đứng lên xếp hàng cho các cháu chụp ảnh để “báo cáo công ty”. Sau đó các cháu tặng lại một phần quà bằng tiền tương đương khoản đã bỏ ra. Đầu tiên là hộp thuốc xịt mũi xuyên tâm liên, sau đến trà Lạc tiên trị mất ngủ, rồi đến thông đỏ trường thọ tốt cho tim mạch. Trà lạc tiên được tặng “một con vịt quay” trị giá hai trăm. Thông đỏ trường thọ hai triệu rưỡi “được tặng 12 con vịt rưỡi” quy ra tiền trả đủ các cụ. Tiền trả lại được các bà xuất ra mua tiếp cho những sản phẩm quý giá sau đó như An cung, Đông trùng hạ thảo, linh chi…” – bà N. nêu rõ.

Ban đầu các cháu thuyết phục chỉ có số ít người có tiền mua, số còn lại ngậm ngùi. Lúc này, đám thanh niên kia mới giở “chiêu trò”. Theo đó, họ mời những người không đủ tiền mà vẫn muốn có quà lên và gợi ý, nếu ai không đủ tiền có thể vay người bên cạnh để mua sản phẩm để được nhận “quà”, được quy ra tiền. Và khi có quà các bác có thể lấy số “quà” đã nhận được để trả lại. Đồng thời, nếu người nào ra tay nghĩa hiệp cũng sẽ được tặng “quà”. “Vậy là cả hai cùng vui” – lý luận của đám thanh niên này.

Vài lần hô hào thì số hàng trên bàn đã hết sạch. Còn các hội viên hội phụ nữ có người chuyển cho “đồng đội” vay tới gần chục triệu đồng. Xong màn này thì đám thanh niên… biến mất, mặc kệ các cụ lúng túng, bức bối với đống đồ trên tay…

Về đống sản phẩm đã mua, bà N. cho biết: “Mấy hôm nay vài chị mở thuốc ra xem mới phát hiện ra các loại thuốc đều giống nhau, cùng một thứ nước giống như nước đường, có chút mùi sâm, chắc chắn là thuốc giả. Không ai dám uống.”

Sự việc cụ thể thế nào, có đúng sự thật hay không thì chưa rõ. Nhưng sau khi đăng tải, bài viết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, đồng thời nhiều người cũng cho biết, họ cũng biết, hoặc trực tiếp đã bị những cú lừa tương tự như vậy.

Những chuyến “tham quan 0 đồng”: Người dân cần phải chủ động cảnh giác
Các sản phẩm được bán trong chuyến tham quan

Đi tham quan miễn phí nhưng mất tiền “khủng”…

Tính xác thực của câu chuyện trên chưa bàn đến, nhưng trước đó, một câu chuyện tương tự đã diễn ra tại một phường trên địa bàn quận Hoàng Mai. Theo đó, khoảng giữa tháng 10/2022, nhiều người dân trên phường Hoàng Văn Thụ được thông báo đến nhà văn hóa nhận quà là sữa của một nhóm người mang đến tặng. Khi đến nhận quà, nhóm người này còn mời các cụ là phụ nữ cao tuổi tại phường đi tham quan miễn phí một ngày tại Bắc Ninh và Lạng Sơn nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Đúng hẹn, sáng ngày 23/10 có một thanh niên "điều" 3 xe ô tô đã đến phường Hoàng Văn Thụ đón nhóm phụ nữ cao tuổi lên đường đi tham quan. Theo lịch trình, đoàn sẽ tham quan chùa Phật Tích, Đền Đô, tham quan khu trồng cây ăn quả và sản xuất công nghệ cao của Công ty TTHH nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp CNC. Sau đó, đoàn sẽ dùng bữa trưa và tiếp tục hành trình tham quan đền Mẫu Đồng Đăng, chợ Đông Kinh và 17h quay về Hà Nội.

Một người phụ nữ tham gia đoàn này có kể lại, sau khi đến Bắc Ninh, đoàn đã đến làm lễ tại chùa Phật Tích và Đền Đô rồi di chuyển đến một nhà hàng tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, để dùng bữa trưa. Sau bữa trưa, cả đoàn được một nhóm người giới thiệu các sản phẩm dược liệu Công ty tự trồng trên 2ha, nơi đoàn sẽ đến tham quan. Nhóm người này cho biết: "Các sản phẩm chỉ tặng không bán". Thế nhưng, họ nhờ những người tham quan mua và thanh toán tiền theo kiểu chỉ "diễn" để quay phim chụp ảnh. Toàn bộ sản phẩm sẽ được tặng, tiền sẽ hoàn trả lại ngay.

Tiếp tục chiêu trò mua 1 tặng 1 và ai không đủ tiền mua thì vay các thành viên trong đoàn, người vay được thưởng thêm 1… sản phẩm. Và cũng sau khi mua bán kết thúc thì các thanh niên kia… biến mất.

Sau khi sự việc xảy ra, một số thành viên trong đoàn đã làm đơn trình báo lên cơ quan Công an thành phố Từ Sơn.

Những chuyến "tham quan 0 đồng" đã xuất hiện ở rất nhiều địa phương

Thực tế những vụ việc như thế này diễn ra không mới. Trước đó, các tour tham quan miễn phí được tổ chức cho các đoàn thể, hội phụ nữ, phụ lão… đã xuất hiện ở rất nhiều tỉnh, thành. Theo đó, gần đây, tại miền Tây cũng xuất hiện những tour du lịch gắn mác “0 đồng” nhắm vào người lớn tuổi. Các nhóm này lừa đảo để bán thực phẩm chức năng, đồ kém chất lượng với giá cao cho người trong chuyến đi. Người trong nghề gọi các tour này là “tour sâm”, “tour sữa” hay nôm na là “tour bán hàng đa cấp”.

Tháng 6/2022, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Vĩnh Long đã bắt quả tang một doanh nghiệp tổ chức tour du lịch “0 đồng” đang “ép” bán thực phẩm chức năng “lậu” cho khách hàng tại huyện Tam Bình.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm, người của công ty giới thiệu chào bán sữa. Hình thức tặng 1 hộp sữa trước, mua 3 hộp tặng thêm 1 hộp với số tiền 1,6 triệu đồng trả tiền liền và sau 10 ngày thì trả thêm 50.000 đồng. Tổng số tiền bán sữa thu về được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện công ty không xuất trình được giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc hợp đồng du lịch với công ty lữ hành... Đồng thời, qua kiểm tra hàng hóa thực tế thì không có chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo tìm hiểu của PV, hình thức du lịch miễn phí nhưng mục đích là để quảng cáo, bán sản phẩm với giá “cắt cổ” hiện nay khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Đối tượng của các doanh nghiệp, tổ chức này hướng đến là những người trung tuổi, cựu chiến binh với mục đích để tri ân nên dễ lấy sự tin tưởng. Khi các hội viên tham gia chuyến đi, các đơn vị tổ chức tiếp cận, chào bán các sản phẩm, mặt hàng của công ty. Ngoài những lời quảng cáo có cánh về công dụng của sản phẩm, các nhân viên còn có tổ chức “bốc thăm trúng thưởng”, “mua một tặng 2”… Điều đáng nói, là các sản phẩm được giới thiệu đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng thường được chào bán với giá đắt gấp 3-5 lần bình thường.

Đã có nhiều địa phương lên tiếng cảnh báo về vấn nạn này, tuy nhiên chưa có sự vào cuộc đồng bộ, cũng như sự thiếu thông tin nên chiêu trò này vẫn có dấu hiệu tiếp diễn. Để ngăn chặn tình trạng này thiết nghĩ cần công tác phối hợp giữa các ngành tại địa phương như: Sở VH-TT&DL, công thương, quản lý thị trường… tăng cường theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các công ty lữ hành tổ chức “tour du lịch 0 đồng”, từ đó kịp thời thông tin các cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, người dân cũng phải chủ động cảnh giác để tránh tiềm mất tật mang.

Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Giả ngân hàng cho vay rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản Giả ngân hàng cho vay rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.