Hà Nội cần 16.186 căn hộ phục vụ tái định cư

UBND TP Hà Nội xác định, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu tái định cư (TĐC) để thực hiện dự án (DA) đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô khoảng 16.186 căn. Ngoài ra, cần 7.117 căn căn hộ, dự kiến phục vụ nhu cầu bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện DA cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
UBND TP bố trí vốn ngân sách để mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo phương thức đặt hàng. Ảnh: G.B.
UBND TP bố trí vốn ngân sách để mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo phương thức đặt hàng. Ảnh: G.B.

Bất cập trong quản lý chung cư TĐC

Hà Nội hiện có 199 tòa chung cư TĐC đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý 149 tòa; Tổng Cty đầu tư phát triển nhà Hà Nội quản lý 20 tòa; BQL các công trình nhà ở và công sở quản lý 30 tòa.

Nhìn nhận thực tế thời gian qua, việc quản lý, sử dụng quỹ nhà TĐC và diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà TĐC vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm, đến nay mới đạt được 113/199 tòa chung cư. Cùng với đó, việc bàn giao kinh phí 2%, bàn giao hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà TĐC, công tác quản lý vận hành nhà chung cư... của các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà cho ban quản trị còn chậm và đạt tỉ lệ thấp.

Thống kê từ UBND TP Hà Nội cho thấy, hiện nay còn 233 căn hộ vi phạm, do các cán bộ thuộc xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ khu đô thị tự ý cho các hộ gia đình vào ở khi những hộ này chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà... Nhiều căn hộ đã bố trí cho các DA chưa đưa vào sử dụng nhưng không thể điều chuyển cho DA khác, do các chủ đầu tư thực hiện DA giải phóng mặt bằng chưa kết thúc để trả lại quỹ nhà cho TP. Nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa TĐC còn bị sử dụng sai mục đích, một số đơn vị nợ tiền thuê nhà, một số đơn vị cho thuê lại không đúng quy định, UBND TP đã phải ban hành nhiều quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế để thu hồi các diện tích vi phạm.

Tập trung hoàn thành 15 DA tái định cư

Mặc dù chỉ ra các bất cập nhưng có một thực tế là nhu cầu về nhà ở TĐC ngày một tăng. Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4962/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ TĐC, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện DA đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

UBND TP xác định, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu TĐC để thực hiện DA đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô khoảng 16.186 căn, tương đương khoảng 1.294.880m2 sàn nhà ở. Ngoài ra, cần khoảng 1.200 căn hộ, dự kiến phục vụ nhu cầu bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện DA cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

TP dự kiến giảm trừ 558 căn tại các quỹ nhà đã hoàn thành, chưa bố trí TĐC và dự kiến khoảng 60% người dân nhận hỗ trợ TĐC bằng tiền để tự lo chỗ ở (khoảng 9.711 căn). Như vậy, chỉ tiêu phát triển nhà ở TĐC, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong giai đoạn thực hiện DA đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư giai đoạn 2021 - 2025 là 7.117căn, tương đương khoảng 564.560m2 sàn nhà ở.

Hà Nội hiện có 15 DA đầu tư xây dựng phát triển nhà ở TĐC giai đoạn 2021-2025 đang triển khai, có khả năng hoàn thành với 5.219 căn. UBND TP xác định tập trung hoàn thành 15 DA này, cùng với đó đôn đốc, rà soát việc tiếp tục triển khai 6 DA đầu tư dự kiến hoàn thành sau năm 2025 với khoảng 400.200m2 sàn nhà ở.

Đồng thời, UBND TP bố trí vốn ngân sách để mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo phương thức đặt hàng và hoàn trả kinh doanh xây dựng tại một số DA đầu tư xây dựng nhà ở theo phương thức đặt hàng có quỹ nhà TĐC phải bàn giao cho TP. Bên cạnh đó, UBND TP đầu tư xây dựng mới 4 DA, tổng diện tích đất khoảng 5,4ha với 3.617 căn hộ, trong đó có 3 DA dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Cùng với việc tâp trung vào các DA TĐC, TP cũng đưa ra nhiều biện pháp trong vận hành, sử dụng quỹ nhà TĐC. Tháng 12/2022, TP giao các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, quỹ đất trống để xây dựng nhà văn hóa hoặc quỹ nhà trên địa bàn quản lý để bố trí hoặc kết hợp sinh hoạt chung cho cụm dân cư đối với nhà chung cư TĐC không có diện tích sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế và cũng không có diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi mục đích...

Trước đó, ngày 15/11, UBND TP ban hành Kế hoạch số 296/KH-UBND, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại trên địa bàn TP. Theo đó, TP kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các DA phát triển nhà ở mới trên địa bàn TP.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại, hạn chế. CATP điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định pháp luật.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý Nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.
Mua căn hộ chung cư: Những kinh nghiệm cần “bỏ túi”
Hà Nội bổ sung nhiều chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 4
Hà Nội phát triển nhà ở phục vụ tái định cư để xây dựng lại chung cư cũ

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.