Chắp cánh ước mơ

Những món quà đó không khiến tương lai của các em bị lỡ nhịp, còn nâng bước cho những ước mơ của các em bay cao, bay xa hơn. Và chắc chắn rằng, nhiều người trong các em sau này cũng sẽ trở thành những người chắp cánh tương lai thành công cho nhiều người khác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lớp 10, chị gái tôi theo học tại một trường cấp 3 dân lập với số tiền học phí khá lớn. Khi đó, bố tôi làm ăn xa nhà, công việc cũng không mấy thuận lợi nên cả năm trời không có tiền gửi về cho mẹ. Một mình mẹ ở nhà cáng đáng mọi việc, ngoài công việc hàng ngày phải đi cơ sở, mẹ làm thêm nhiều thứ để có tiền nuôi 4 chị em tôi. Mỗi kỳ hạn nộp học phí, mẹ lại phải chạy vạy khắp nơi để có đủ tiền cho chúng tôi đóng học.

Thấy mẹ vất vả, một người bác nói với mẹ về việc cho chị gái tôi nghỉ học, đi làm để giúp đỡ gia đình. Mẹ nhất định không đồng ý. Mẹ đáp: “Dù có vất vả cỡ nào, em cũng phải cho mấy đứa nhà em học xong cấp 3, sau đó, đứa nào học tốt thì học lên, không thì tùy chúng nó lựa chọn đi làm để nuôi bản thân”. Lời khẳng định của mẹ càng khiến chị em tôi có thêm động lực để cố gắng, không làm mẹ thất vọng. Thú thực, nhiều lúc, chị em tôi ao ước giá mà có một ai đó dang tay giúp đỡ mẹ con tôi khi đó thì tốt biết mấy.

Đến hôm nay, khi chứng kiến các em sinh viên nhiều trường ĐH được nhận món quà là học bổng của các nhà trường hay các cá nhân, tổ chức tôi cảm thấy thực sự xúc động. Mỗi em có hoàn cảnh khó khăn riêng, bố/mẹ bị trọng bệnh, mồ côi bố/mẹ hoặc cả hai. Có nhiều em còn từng nghĩ đến chuyện bỏ học để đi làm, kiếm tiền giúp bố mẹ.

Câu chuyện về em Lô Thị Nga, người dân tộc Thái ở Nghệ An dù năm đầu thi được hơn 26 điểm nhưng vì gia đình khó khăn, bố bị ung thư, đành gác lại ước mơ ĐH để đi làm công nhân đã khiến bao người tiếc nuối, cảm thương. Tuy nhiên, sau đó, Nga đã quyết định viết tiếp ước mơ bằng cách tự ôn luyện để thi lại và đạt số điểm rất cao (28,5), chính thức trở thành sinh viên trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Học bổng của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, sự sẻ chia, cổ vũ của thầy cô, bạn bè đã tiếp thêm sức mạnh cho Nga trên cuộc hành trình tuổi trẻ đầy khát khao.

Hay như em Bùi Nhật Thanh, sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và tuyên truyền dù bản thân bị mắc bệnh tim, sức khỏe yếu nhưng vẫn nỗ lực từng ngày, vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa không từ bỏ con đường học vấn. Học bổng giúp em và gia đình bớt đi nỗi lo chi phí học hành, cũng cho thấy em không hề đơn độc trên bước đường thực hiện những hoài bão, đam mê.

Câu chuyện của Nga và Thanh đều đã truyền cảm hứng phấn đấu, sống hết mình cho nhiều người trẻ, cũng minh chứng cho sức mạnh của sự sẻ chia của cộng đồng. Sự dang tay, hỗ trợ, khích lệ đối với một người không chỉ mang lại giá trị về vật chất mà còn lan tỏa những ý nghĩa lớn lao về tinh thần.

Những món quà đó không khiến tương lai của các em bị lỡ nhịp, còn nâng bước cho những ước mơ của các em bay cao, bay xa hơn. Và chắc chắn rằng, nhiều người trong các em sau này cũng sẽ trở thành những người chắp cánh tương lai thành công cho nhiều người khác.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.