Hà Nội đối thoại doanh nghiệp: "Nóng" các kiến nghị về tiếp cận tín dụng

Tại hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại DN năm 2022” do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì sáng 14/12, đại diện các DN trên địa bàn TP cho biết đều đang thiếu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Hà Nội đối thoại doanh nghiệp:
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, dù nỗ lực nhưng kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ vốn vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, việc ban hành các chính sách của Chính phủ và TP đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành của Chính phủ và TP sau đại dịch Covid-19 được cộng đồng DN đánh giá cao, nhất là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện…

Tuy nhiên, hiện nay tình hình DN đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN… Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Trong khi đó, thực tế việc cung ứng vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Do kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, khả năng trả nợ của DN nhỏ và vừa. Nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân DN nhỏ và vừa như quy mô vốn nhỏ, thiếu phương án kinh doanh khả thi, phương án kinh doanh thường xuyên thay đổi, đặc biệt là vấn đề không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Hà Nội đối thoại doanh nghiệp:
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng xuất phát từ quy định hoạt động của các Quỹ. Những vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ từ phía các bộ, ngành chức năng, chính quyền.

Cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội - HAMI Lê Vĩnh Sơn cho biết, việc giải ngân còn chậm, việc tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ quý II/2022 trở lại đây rất nhiều DN vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng…

Vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn chưa đủ với “cơn khát vốn” của DN. Do tình hình giá cả tăng cao nên sức mua suy giảm, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho nhiều, cộng thêm những khó khăn về tài chính ở trên làm cho các DN lao đao và và đứng trên bờ vực phá sản.

Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều DN bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này. Các DN thông tin, về gói vay hỗ trợ lãi suất 2% thì đa số DN đã “lắc đầu” vì khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể như, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…

Nhưng bên cạnh đó, không ít DN cho biết họ không muốn đáp ứng và vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có DN còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Thiếu tài sản thế chấp; quản trị dòng tiền kém; kế hoạch kinh doanh thiếu minh bạch, khả thi là những thách thức thường gặp của DN khi tiếp cận vốn tín dụng. Khát vốn là thực trạng nhiều DN gặp phải, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (SME). Dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, nhiều DN vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.

Để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, DN buộc phải không có nợ xấu nhưng đồng thời phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... Trong khi đó, sau khi trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận. Cánh cửa vay vốn tín chấp đối với các DN nhỏ gần như quá hẹp, thậm chí còn khó hơn cả vay vốn bằng tài sản đảm bảo.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm, sau đại dịch Covid-19, đã tạo nên một sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó khu vực DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng rất nặng nề (số DN này chiếm 98,2% trên tổng số 348.000 DN của Thành phố).

Cần khơi thông dòng vốn

Theo ông Mạc Quốc Anh, hiện nay do chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng nên đã buộc phải tăng lãi suất. Lãi suất cho vay trên 10% thì khó có DN nào có thể làm ăn có lãi để vay, nên rất nhiều DN không thể vay để đầu tư mới.

Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các DN và hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do. Đó là không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó, DN sẽ mất nguồn nhân lực, không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid vừa qua.

Hà Nội đối thoại doanh nghiệp:
Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội - HAMI Lê Vĩnh Sơn.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của DN nhỏ và vừa không phải là thiếu tài sản đảm bảo mà là kém trong quản trị dòng tiền.

Các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN mới bắt đầu tham gia kinh doanh, hệ thống kế toán, tài chính chưa được cập nhật thường xuyên, tính minh bạch của thông tin chưa cao. Hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, gây khó khăn cho phía ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng.

Bên cạnh đó, việc thiếu bài bản trong quản lý tài chính DN dẫn đến ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ nên sẽ hạn chế cho vay. Trên cơ sở đó, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hạ lãi suất ngân hàng.

Cũng gửi kiến nghị được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, Chủ tịch HAMI Lê Vĩnh Sơn cho biết, thời gian qua lãi suất tăng cao, có những khu vực/trường hợp lãi suất tăng đến 14,15%/năm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Vì vậy, đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho DN tiếp cận nguồn vốn/các gói cứu trợ nhanh, tăng tốc độ giải ngân, giảm lãi suất vay, nới zoom tín dụng…. Qua đó, hỗ trợ DN giảm thiểu sự đổ vỡ theo dây chuyền của hệ thống các DN, ổn định nền kinh tế thủ đô, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đạt kế hoạch thu ngân sách 2023 và các mục tiêu đã đề ra….

Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn Hà Nội đạt 5.000 tỷ đồng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn. Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với 31/12/2021.

Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với 31/12/2021. Dư địa tăng trưởng trên địa bàn trong tháng 12 vẫn còn 1,3%, chưa tính hạn mức tăng thêm từ 1,5 - 2%. Như vậy, trong tháng 12, nếu tăng kịch trần thêm 3,3% sẽ tương ứng với 96,2 nghìn tỷ đồng được giải ngân cho các DN, nâng tổng DN trên địa bàn lên 3 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 525.582 tỷ đồng, chiếm 19,20%; Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 248.144 tỷ đồng, chiếm 9,06%; Cho vay xuất khẩu đạt 142.634 tỷ đồng, chiếm 5,21%; Cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 65.212 tỷ đồng, chiếm 2,38%; Cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 10.225 tỷ đồng, chiếm 0,37%; Cho vay chính sách xã hội đạt 13.168 tỷ đồng, chiếm 0,48% trong tổng dư nợ; Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - DN đạt 552.850 tỷ đồng.

Về việc triển khai các chính sách hỗ trợ và kết quả trên địa bàn, tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn TP Hà Nội, các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 30/6/2022 đạt 3.794.709 tỷ đồng cho hơn 216.602 lượt khách hàng.

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, NHNN ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31. Đến cuối tháng 10/2022,doanh số cho vay được HTLS trên địa bàn Hà Nội đạt 5.000 tỷ đồng với 209 khách hàng được hỗ trợ; dư nợ được HTLS đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và số tiền đã HTLS là 12.242 triệu đồng.

Đại diện NHNN Chi nhánh Hà Nội thừa nhận, mặc dù sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là về đối tượng được HTLS theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP: Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được HTLS trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên cả ngân hàng thương mại và khách hàng đều thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Ngoài ra tâm lý e dè về công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý Nhà nước sau này cũng là một trở ngại.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song khách hàng (nhất là các DN) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình HTLS từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang tiếp tục rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách, làm việc với khách hàng để xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Một số nguyên nhân khác như: Khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được HTLS; Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được HTLS nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét HTLS theo quy định.

Bên cạnh đó có nguyên nhân tích cực là nhiều khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận HTLS do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của NHTM.

“Chúng tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến phản hồi, đánh giá khách quan từ phía các hội, hiệp hội và DN để có giải pháp triển khai trong thời gian tới” - ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội được hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số
Hà Nội củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp
Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp

Phương Nga

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.