Thanh niên Thủ đô dám nghĩ, dám làm

Đó chính là nhận xét của nhiều người dân Liễu Trì (Mê Linh, TP Hà Nội) khi nhắc đến chàng trai trẻ Lã Xuân Khánh (SN 1998) - một trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu thuộc đoàn đại biểu TP Hà Nội tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Anh Lã Xuân Khánh giới thiệu về các sản phẩm làm từ sen. Ảnh: NVCC
Anh Lã Xuân Khánh giới thiệu về các sản phẩm làm từ sen. Ảnh: NVCC

Khát khao đóng góp cho quê hương

Trẻ tuổi nhưng Lã Xuân Khánh đã có khoảng thời gian 5 năm gắn bó với mô hình làm kinh tế trồng sen mang lại thu nhập cao cho gia đình, cũng như tạo việc làm cho nhiều người dân quanh vùng. Anh cũng là người tiên phong cho mô hình trồng sen thay lúa tại chính quê hương mình.

Khánh nhớ lại, bản thân luôn mong muốn có thể làm giàu trên chính quê hương Liễu Trì. Thấy người dân trồng lúa nhưng hiệu quả thấp nên Khánh nảy ra ý định sẽ trồng loại cây khác. Qua tìm hiểu nhiều nơi, người dân trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mô hình này còn rất phù hợp với điều kiện địa phương có tiềm năng phát triển ao hồ nuôi cá nên Khánh quyết định “làm ăn lớn”. Khi ấy, chàng trai này đang là sinh viên trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, tràn đầy ý chí, khát khao sẽ đóng góp được điều gì đó cho quê hương.

Để thực hiện dự định của mình, ban đầu, Khánh bàn với gia đình thuê đất ruộng để cải tạo, một phần để nuôi cá và phần còn lại cho người dân thuê. Sau đó, Khánh nhận thấy tiềm năng từ trồng hoa sen nên đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng sen. Với mong muốn học hỏi kinh nghiệm trồng sen, Khánh cất công đi học hỏi nhiều nơi, đặc biệt là những người dân có kinh nghiệm ở các vùng chuyên canh về hoa sen.

Vượt khó vươn lên

Không chỉ gặp khó khăn về thiếu kinh nghiệm, Khánh còn phải đối diện với áp lực về nguồn vốn đầu tư. Để phát triển mô hình trồng sen với diện tích trên 50 héc-ta, gia đình Khánh đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tôn tạo ruộng thành ao. Bên cạnh đó là tiền thuê nhân công trồng và thu hoạch cũng khá lớn. Cùng với đó, thời gian eo hẹp khi anh vừa làm kinh tế, vừa phải đến trường học. Khánh phải sắp xếp thời gian đi học - làm việc hợp lý để cả hai đều đạt kết quả tốt.

Thời gian đầu, Khánh lựa chọn loại sen quỳ để trồng ở 5 héc-ta ao, cạnh với vùng ao nuôi cá của gia đình. Đây là bước thử nghiệm, nếu như loài sen này mang lại kinh tế cao thì anh sẽ mạnh dạn mở rộng mô hình. Tuy nhiên, mỗi ngày, gia đình Khánh chỉ thu được vài trăm bông sen quỳ, không đáp ứng đủ cho thị trường. Thương lái không mua, Khánh đành chở sen đi bán cho những cửa hàng hoa hoặc đi bán ở chợ. Khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ Khánh có ý định từ bỏ những kế hoạch đã vạch ra. Anh coi đó là bài học giúp cho mình có thêm những kinh nghiệm quý báu trong làm kinh tế.

Mong muốn mô hình có thể phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, Khánh quyết định mở rộng diện tích trồng sen từ 5 héc-ta sen quỳ lên 50 héc-ta, với nhiều loại sen khác như Bạch Liên, Bách Diệp. Vào mùa sen (từ tháng 5 cho tới tháng 9 hàng năm), mỗi ngày gia đình Khánh thu hoạch vài nghìn bông hoa, bán với giá buôn 2 nghìn đồng/ bông. Ước tính sau mỗi vụ thu hoạch sen, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 25-30 lao động mỗi mùa sen.

Không chỉ trồng sen trên diện tích lớn, Khánh còn học hỏi các mô hình nuôi cá, nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm từ sen… Mong ước của Khánh thời điểm hiện tại là áp dụng mô hình du lịch sinh thái để phát triển những tiềm năng từ mô hình trồng sen, nuôi cá của gia đình. Khánh dự định sẽ xây dựng các khu chụp ảnh cho giới trẻ, khu thưởng thức trà cho mọi người, khu trưng bày và bán sản phẩm chất lượng từ sen ngay tại điểm du lịch của mình. Điều đó vừa giúp Khánh phát triển kinh tế gia đình, vừa quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương.

Dẫu biết chặng đường nào cũng khó khăn nhưng chàng thanh niên của Thủ đô vẫn kiên định với con đường mình theo đuổi, nỗ lực học hỏi, dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho chính bản thân, gia đình, cũng như đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Liễu Trì ngày càng giàu đẹp.
Thanh niên Thủ đô chia sẻ khó khăn với lực lượng phòng, chống dịch quận Thanh Xuân
Triển khai hơn 3.300 việc làm hỗ trợ thanh niên Thủ đô lập nghiệp
Hình thành mạng lưới Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.