Thực hiện những dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè:

Đảm bảo an toàn cho người dân và mỹ quan đô thị

Vỉa hè - một trong những vấn đề dân sinh được TP quan tâm song vẫn xảy ra tình trạng, cứ làm vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa tốn kém, lãng phí. Mới đây, UBNDTP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.
Vỉa hè, đôi khi không còn riêng chức năng cho người đi bộ mà phải gánh thêm nhiều thứ khác nên dễ xuống cấp                        Ảnh:Khánh Huy
Vỉa hè, đôi khi không còn riêng chức năng cho người đi bộ mà phải gánh thêm nhiều thứ khác nên dễ xuống cấp. Ảnh:Khánh Huy

Thời gian gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin phản ánh việc nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội sau khi được cải tạo, chỉnh trang, lát đá tự nhiên, sau một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Hiện tượng đó không hiếm gặp khi đi trên những tuyến phố thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng...

Cụ thể, dọc tuyến phố Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), vỉa hè được lát gạch đá tự nhiên, từ năm 2017, có tuổi thọ khoảng 70 năm, đến nay nhiều vị trí xuất hiện tình trạng vỡ ,nứt bề mặt, các viên gạch bị bật lên.

Vỉa hè đoạn ngã ba đường Trần Phú - Chiến Thắng, nhiều vị trí gạch bị bong tróc.

Dọc tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nhiều vị trí vỉa hè bị sụt lún, thường xuyên bị đọng nước.

Vỉa hè phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) xuất hiện nhiều hố ga mất nắp, thành nơi chứa rác thải.

Trên nhiều tuyến đường thường tập trung rất nhiều ôtô đỗ, cũng khiến đá lát vỉa hè bị nứt vỡ nhanh hơn. Vào các khung giờ cao điểm sáng và chiều, xe máy nối đuôi đi lên vỉa hè khiến nhiều đoạn bị sụt lún.

Trước tình hình đó, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, đã có kiến nghị UBND TP Hà Nội, trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương và chất lượng. Từ đó xem xét hiệu quả, chất lượng, để có nên tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không?

“Trong nội dung thẩm tra của Ban Đô thị kỳ này đã có kiến nghị UBND TP Hà Nội, trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương, đánh giá cả về chất lượng. Từ đó xem xét hiệu quả đến đâu, chất lượng thế nào, có tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không? Nội dung này chúng tôi đưa vào trong kiến nghị UBND TP”, lãnh đạo Ban Đô thị HĐND TP nêu.

Về phía chuyên môn, một KTS cho rằng, từ năm 2016, TP triển khai dự án lát đá vỉa hè nhiều tuyến phố để đảm bảo mỹ quan, xanh, sạch đẹp. Tuy nhiên, nhiều nơi vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Trước hết là về vật liệu; tiếp đó là thiếu giám sát về quá trình thi công. Đối với lát đá vỉa hè, phải có lớp nền bê tông, nhưng thường không đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, với những tuyến vỉa hè có cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, bố cục khác nhau, ngay như rễ cây khác nhau phải xử lý cụ thể thế nào cũng chưa có hướng dẫn.

Vì vậy, cần phân loại các tuyến phố để bố trí hợp lý việc lát đá. Có tuyến phố chủ yếu là các công trình công cộng, có tuyến phố xe máy đi lên, có tuyến phố đi bộ, có tuyến phố ô tô ra vào thường xuyên. Căn cứ vào chức năng của từng tuyến phố để cân nhắc nên lát đá vỉa hè hay không.

Nhiều người dân cho rằng: Vỉa hè muốn lát gì thì lát nhưng trước tình trạng cứ để ô tô, xe máy leo lên thì loại nào rồi cũng vỡ, bong hết. Có tuyến đường vào giờ cao điểm thậm chí không còn chỗ nào trên vỉa hè cho người đi bộ. Cứ tắc đường hoặc hơi đông đông dừng đèn đỏ là nhiều người sẵng sàng phi lên vỉa hè thì vật liệu gì chịu cho nổi.

Trong khi đó, theo đại diện UBND TP Hà Nội thì nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do việc thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhất là chất lượng lớp bê tông nền; công tác nghiệm thu chất lượng lát đá vỉa hè chưa cao; công tác quản lý sử dụng sau đầu tư chưa đảm bảo (tình trạng phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) đỗ trên hè phố, đi trên hè phố...); công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

UBND Hà Nội đã giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát và đánh giá nguyên nhân. Đầu năm 2023, TP sẽ xem xét lại các phương án để đảm bảo chất lượng cho hạng mục này.

Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 12540/VP-ĐT, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn về công tác lát đá vỉa hè trên địa bàn TP, căn cứ theo Văn bản báo cáo số 8258/SXD-GĐXD của Sở Xây dựng.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 1385/2019/UBND-ĐT về việc triển khai thực hiện những dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến đường phố trên địa bàn một số quận.

Sở Xây dưng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp với các Sở, ngành TP và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè và thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình theo phân cấp, đảm báo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Đảm bảo an toàn cây xanh đô thị trong mùa mưa bão
Kinh tế vỉa hè gắn với mỹ quan đô thị

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.