Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2023

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, năm 2022 vừa qua, TP đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công Ảnh: Khánh Huy
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Khánh Huy

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, TP cần tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của TP, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai để bổ sung vốn: Chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, cho các dự án đã thực hiện nhanh tiến độ… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc dân sinh ngay từ cơ sở.

Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành cùng với các doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về cải cách hành chính và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, tiếp cận vốn, giải phóng mặt bằng, thuế, hải quan.

Đại biểu Lê Ngọc Anh cũng đề nghị TP quan tâm đầu tư các huyện khu vực phía Nam, trong đó có Phú Xuyên giai đoạn 2021-2025. Mong muốn TP tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư công nghiệp phía Nam Hà Nội.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hà Nội đến thời điểm hiện tại vẫn đạt thấp. Từ đầu tháng 12/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, đến ngày 28/11/2022, vốn đầu tư công năm 2022 TP đã giải ngân được hơn 25.020 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch. Trong đó, cấp TP là 7.665 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch và cấp huyện là 17.376 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch.

Có 13 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao so tỷ lệ giải ngân chung của toàn TP như: Ban quản lý dự án Thăng Long (100%), quận Hoàng Mai (100%), quận Ba Đình (97,5%), quận Đống Đa (81%), huyện Đan Phượng (77,3%), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông (65,1%)…, có 24 đơn vị giải ngân thấp hơn so tỷ lệ giải ngân chung của toàn TP.

Điều đáng nói, có 4 đơn vị đến nay chưa giải ngân được (tỷ lệ giải ngân 0%) như: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Cục Hậu cần - Bộ Công an, CATP Hà Nội, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị X03 - Bộ Công an. Một số đơn vị tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Sở Tài nguyên và môi trường (0,5%); Bảo tàng Hà Nội (6,9%); huyện Sóc Sơn (10,9%); huyện Mỹ Đức (0,7%)…

Ngoài ra, vốn đầu tư công của TP năm 2021 kéo dài sang năm 2022 cũng mới thực hiện được 1.222 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch. Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng khâu chủ quan vẫn là chủ yếu. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, đầu tư công vẫn là khâu yếu của các năm, nhất là năm 2022. Mỗi dự án đầu tư lại có những khó khăn, vướng mắc riêng. Có thể do công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh giá nhiều lần, tổng mức đầu tư không chính xác… dẫn đến mất thời gian trong thực hiện thủ tục. Cùng với đó là những vấn đề trong giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất; giá đền bù; quỹ nhà tái định cư; giá đấu giá và đền bù chênh lệch nhau lớn…

Thời gian từ nay đến cuối năm 2022 không còn nhiều. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP. Đây sẽ là tiêu chí để đánh giá tổng kết cuối năm của tập thể và cá nhân người đứng đầu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, TP đã quyết liệt triển khai các giải pháp và các Sở, ngành, địa phương cũng đều có cam kết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả chưa đạt yêu cầu.
Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 3
UBND TP Hà Nội xem xét chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công
Hà Nội tập trung thực hiện công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.