Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây cá độ 600 tỷ đồng:

Hình phạt dành cho các nghi phạm cao nhất lên đến 7 năm tù

Với quy mô và số tiền lớn như vậy, luật sư cho rằng, các đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá này sẽ đối mặt hình phạt nghiêm khắc.
Các đối tượng tại CQCA
Các đối tượng tại CQCA

Ngày 6/12, Phòng CSHS CA TP Hà Nội cho biết đơn vị vừa bắt giữ 9 đối tượng để điều tra làm rõ về hành vi "tổ chức đánh bạc", "đánh bạc", "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" và "tàng trữ hàng cấm".

Qua công tác trinh sát nắm tình hình, Phòng CSHS, CA TP Hà Nội phát hiện một đường dây đánh bạc quy mô lớn do Lê Văn Thắng (tức Thắng "đấu", SN 1979, trú tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Nam (tức Nam "báo", SN 1987, ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cầm đầu.

Tài liệu chứng cứ thu thập được cho thấy, ổ nhóm đánh bạc của Nam “báo” hoạt động rất tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp với việc phân cấp, phân tầng nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, nhóm này còn sử dụng mạng xã hội để “ẩn thân”, gây khó khăn cho lực lượng điều tra. Đường dây này điều hành còn hoạt động mạnh hơn trong thời gian diễn ra World Cup 2022.

Đến ngày 3/12, CQCA đồng loạt triển khai 9 mũi trinh sát, tấn công trực diện vào 9 vị trí chủ chốt, trọng điểm của ổ nhóm, bắt giữ Nguyễn Thành Nam, Lê Văn Thắng và nhiều đối tượng khác... Trong đó, 4 đối tượng đã có tiền án tiền sự, riêng Nam “báo” có 2 tiền án tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

CQCA cũng đã thu giữ 12 ĐTDĐ; 1 hộp tiếp đạn; 107 viên đạn các loại; 1 ống giảm thanh sử dụng cho súng ngắn; 1 ổ đạn sử dụng cho súng colt ổ quay; 205,5kg pháo nổ... Ngoài ra, lực lượng CSHS còn thu giữ 2 ô tô và 3 xe máy. Trong đó, 2 chiếc xe máy đeo BKS giả, nghi vấn là tang vật của các vụ trộm cắp tài sản.

Đường dây của Thắng và Nam hoạt động chủ yếu trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và Telegram. Theo lời khai của Thắng “đấu” và Nam “báo”, hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc cũng như cho vay lãi nặng của các đối tượng bắt đầu từ đầu năm 2021. Số tiền giao dịch trung bình trong ngày khoảng 1 tỷ đồng.

Cho đến khi bị bắt, tổng số tiền giao dịch đánh bạc của các đối tượng khoảng hơn 600 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Về vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua hình thức cá độ bóng đá thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp, với quy mô lớn gây bất ổn xã hội, đẩy nhiều gia đình vào cảnh đổ vỡ và là nguyên nhân nảy sinh nhiều tội phạm khác.

Theo luật sư Nguyên, với số tiền cá độ lớn lên đến hơn 600 tỷ đồng và sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội nên các đối tượng cầm đầu đứng ra tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại Điều 322 BLHS 2015.

Hình phạt cao nhất các đối tượng cầm đầu có thể đối mặt lên đến 10 năm tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản thu lợi bất chính.

Trong khi đó, các đối tượng tham gia đánh bạc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đánh bạc" quy định tại Điều 321 BLHS 2015, hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 50 triệu đồng.

Vị luật sư cho biết, tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc là tội xâm phạm đến trật tự công cộng, mà trực tiếp xâm phạm đến trật tự, nếp sống văn minh của xã hội do đây được xem là một tệ nạn của xã hội.

Người phạm tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý, bởi nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Đối với hành vi tàng trữ trái phép vũ khí của các nghi phạm trong vụ án, luật sư Nguyên cũng cho biết, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo). Luật này cũng quy định rõ những trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ.

Do đó, người sử dụng vũ khí quân dụng, kể cả súng công cụ hỗ trợ trái phép có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 5, Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, mức phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với người chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư viện dẫn, Điều 304 BLHS năm 2015 quy định, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù 1-7 năm. Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng làm chết người thì bị phạt tù 5-12 năm.

Chồng vay tiền cá độ bóng đá World Cup 2022, vợ có phải trả thay không?
Thuê chung cư cao cấp để tổ chức đường dây cá độ bóng đá “khủng” và “chơi” ma túy
Khởi tố nhóm đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.