Hàng liên vận quốc tế tăng trưởng hai con số, cơ hội tìm ra nhiều hướng đi mới

Dù tàu hàng liên vận quốc tế sụt giảm do xung đột Nga - Ukraine nhưng doanh thu dự kiến vẫn tăng trưởng ở mức hơn 10% cho thấy nhiều hướng đi mới giúp vận tải đường sắt đứng vững trước khó khăn.
Tàu liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Tàu liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Những tác động đẩy nguồn hàng sụt giảm

Thông tin từ Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, luồng hàng liên vận quốc tế gặp nhiều tác động khiến ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung.

Trong đó, các tháng đầu năm, hàng liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc tăng đột biến, nhất là hàng từ Trung Quốc sang qua cửa khẩu Đồng Đăng, gây ùn tắc cục bộ.

Trái ngược với đó là hoạt động vận tải liên vận đi châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến phải tạm dừng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến không có nguồn hàng, dù chỉ chạy trung bình 3 đoàn tàu/tuần.

Sau đó, khi mà Trung Quốc quyết định trung thành với chính sách “ZERO Covid” đã khiến một số nguồn hàng sang quốc gia này gặp khó khăn. Ngoài ra, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến thêm một số nguồn hàng dự kiến vận chuyển liên vận giữa các nước như trái cây từ Lào, Thái Lan quá cảnh đường bộ sang Việt Nam đi bằng đường sắt xuất Trung Quốc cũng giảm mạnh.

Không những vậy, tuyến đường chuẩn bị được khai thác vận chuyển từ Lào qua miền Trung Việt Nam rồi đi tiếp đường sắt sang Trung Quốc lại buộc phải tạm hoãn khiến tình hình càng trở nên khó khăn.

Cùng chung hoàn cảnh tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết ở tuyến phía Tây, một số luồng hàng truyền thống như lưu huỳnh, quặng sắt xuất sang Trung Quốc sụt giảm mạnh dẫn đến sản lượng hàng liên vận quốc tế qua cửa khẩu đường sắt Lào Cai duy trì ở mức thấp.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, hàng hóa xuất qua các cửa khẩu của Việt Nam chịu tác động từ nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn cung giảm.

Doanh thu vẫn duy trì ở mức hơn hai con số

Mặc dù nhiều nguồn hàng sụt giảm nhưng doanh thu hàng liên vận quốc tế cả năm 2022 dự kiến vẫn tăng trưởng hơn hai con số.

Phía đại diện của Ratraco cho biết, khi các nguồn hàng bị sụt giảm do nhiều tác động thì đơn vị đã tìm ra nhiều hướng đi mới để đẩy mạnh luồng hàng bù đắp lại sự thiếu hụt.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong giao dịch, thực hiện các dịch vụ, thủ tục vận chuyển trọn gói “door to door”, tăng tiện ích cho khách hàng...

Do đó mà chỉ trong 10 tháng của năm 2022, doanh thu hàng liên vận quốc tế vẫn tăng trưởng khoảng 10 - 12%.

Nhân viên đường sắt kiểm tra niêm phong container hàng hóa.
Nhân viên đường sắt kiểm tra niêm phong container hàng hóa.

Phía Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, họ đã làm việc với phía Trung Quốc để phối hợp với các công ty vận tải phía bạn từ đẩy đẩy mạnh khai thác vận chuyển container quá cảnh giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng.

Từ đó, sản lượng trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng đột biến và doanh thu cũng đang rất khả quản. Cụ thể, sản lượng hàng hóa 11 tháng qua cửa khẩu Đồng Đăng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 87% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu hàng nhập tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 101% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, có thể thấy dù chịu nhiều tác động nhưng các đơn vị vận tải đường sắt liên vận quốc tế vẫn đang tiếp tục đứng vững được trước khó khăn, duy trì được sản lượng và doanh thu dù nguồn hàng truyền thống gặp nhiều ảnh hưởng.

Công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về vận tải đường bộ Công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về vận tải đường bộ
Hà Nội phấn đấu vận tải công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đến năm 2025 Hà Nội phấn đấu vận tải công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đến năm 2025

Cao Kỳ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.