Công an quận Hoàng Mai triển khai Đề án 06:

Kỳ 2: Đón đưa người dân lên trụ sở để làm căn cước công dân gắp chíp

Đi từng ngõ, gõ từng nhà” chưa đủ, lực lượng CA các phường trên địa bàn quận Hoàng Mai còn đến tận nhà làm cho những công dân già yếu, có vấn đề về sức khỏe. Hoặc có cả những trường hợp, các đồng chí đến tận nhà đón đưa đến tận điểm làm căn cước công dân gắn chip, giúp người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Kỳ 2: Đón đưa người dân lên trụ sở để làm căn cước công dân gắp chíp
Công an phường Hoàng Liệt cõng người dân lên làm CCCD

Cõng người dân đi làm CCCD

Việc các chiến sĩ CA trên các phường của quận Hoàng Mai đưa máy móc, trang thiết bị đến tận nhà hỗ trợ người dân làm CCCD gắn chíp là chuyện thường thấy. Theo họ, có cần cố gắng với 200% sức lực nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, giúp người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cũng là điều nên làm. Bởi lẽ, việc người dân chuyển đổi từ CMT 9 số sang CCCD gắn chíp là tiền đề của đề án Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Câu chuyện được Thượng úy Nguyễn Thế Anh, công an phường Hoàng Liệt kể lại với sự vui vẻ cũng như thoáng chút tự hào. Rất nhiều công dân cao tuổi, già yếu, bệnh tật hoặc khiếm khuyết năng lực đã được lực lượng CA phường đến nhà lăn tay, chụp ảnh và xác thực thông tin cá nhân. Đặc biệt còn có trường hợp khó khăn về di chuyển, các chiến sĩ đã đưa, đón và cõng cụ từ tầng 1 lên tầng 3 CA phường để giúp cụ hoàn thành thủ tục cấp CCCD gắn chíp.

Đó là trường hợp cụ T.T.K.V (sinh năm 1947, ngụ tại chung cư HUD), cụ có tiền sử tai biến, đi lại khó khăn. “Với trường hợp cụ V., trước đó, các đồng chí cảnh sát khu vực cùng các đội tuyên truyền đã đến gia đình vận động đến 3, 4 lần. Lần nào đến gia đình cũng tỏ ra rất khó chịu, không hợp tác. Họ nói rằng cụ V. đã già yếu, không phát sinh ra giao dịch, cũng càng không thể ra chính quyền để làm các thủ tục hành chính nên việc làm CCCD là không cần thiết. Đồng thời, gia đình cũng sợ đưa cụ đến chỗ đông người trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Vậy nên mặc dù bỏ công, bỏ sức mà gia đình vẫn nhất quyết không để cụ ra làm.” – Thượng úy Thế Anh cho biết.

Không bỏ cuộc, cán bộ, chiến sĩ cùng các tổ vận động phường Hoàng Liệt vẫn tiếp tục đến và dần thuyết phục gia đình. Rằng việc làm CCCD không chỉ để cụ có thể đi ra phường hoặc thực hiện các giao dịch dân sự khác, mà trong việc khám chữa bệnh cho cụ cũng cần có CCCD để mà tiện thực hiện. “Sau 1/1/2023, khi bỏ hết các giấy tờ giao dịch, nếu không có CCCD thì sẽ rất khó khăn khi cụ đi khám bệnh. Việc làm CCCD gắn chíp để tiến tới tích hợp các giấy tờ, kể cả bảo hiểm y tế trên hệ thống, lúc đó đến bệnh viện chỉ cần quét mã QR chứ không phải lích kích sử dụng CCCD và thẻ bảo hiểm y tế nữa.” – cho đến lúc này, con cái cụ mới đồng ý để cụ đi làm CCCD. Tuy nhiên bởi do sức khỏe, gia đình vẫn nhờ lực lượng CA đến hỗ trợ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chỉ huy CA phường đã cử các chiến sĩ mang xe đến và cùng gia đình đưa cụ từ trên tầng 15 xuống sảnh, rồi ra phường. “Đến phường lại phát sinh ra chút rắc rối. Do máy làm CCCD chỉ còn 1 chiếc trên tầng 3, mà cụ ngoài việc già yếu còn khó khăn trong di chuyển, vậy là dưới sự chứng kiến của mọi người, một chiến sĩ CA phường đã xung phong cõng cụ lên. Việc làm CCCD của cụ hoàn thành dưới sự chứng kiến của con cái cụ, cũng như nhiều người dân có mặt ở CA phường lúc đấy.” – Thượng úy Thế Anh kể.

Theo Thượng úy Thế Anh, để hoàn thành những việc như thế cũng là niềm vui của những chiến sĩ CA phường. Bởi từ sau trường hợp của cụ V., sự thay đổi đã diễn ra rõ rệt trong nhận thức của người dân trên địa bàn. Nhiều người từ không hợp tác đã chủ động ra CA phường để làm CCCD cũng như xác thực, kích hoạt mã số định danh điện tử.

“Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, cũng như thể hiện sự quyết tâm của CA phường, các chiến sĩ của phường đã ngày đêm cố gắng để sớm hoàn thành chỉ tiêu. Có những giai đoạn cao điểm, có chiến sĩ đến 2, 3 tuần không về nhà là chuyện bình thường. Thứ nhất bởi lực lượng cố gắng làm ngày, làm đêm để phục vụ người dân, thứ hai cũng bởi lo sợ lây lan dịch bệnh nên cứ “cố thủ” ở phường để hoàn thành nhiệm vụ.” – thượng úy Thế Anh nói.

Kỳ 2: Đón đưa người dân lên trụ sở để làm căn cước công dân gắp chíp
Hỗ trợ làm CCCD gắn chip cho người già

Hỗ trợ làm CCCD gắn chíp cho những người bệnh

Cũng chung khó khăn như lực lượng CA trên địa bàn phường Hoàng Liệt, đồng chí Hoàng Mạnh Tưởng, Phó CA phường Đại Kim cũng cho biết, lúc cao điểm làm CCCD cho nhân dân trên địa bàn, anh cũng như các chiến sĩ ngày đêm bám trụ trên phường. “Cao điểm có ngày làm tới hơn 500 tấm CCCD. Lực lượng CA cũng như các đơn vị hỗ trợ bắt đầu công việc từ 7h30 sáng đến 2, 3h đêm mới kết thúc. Tất cả việc ăn, uống, nghỉ… đều thực hiện tại chỗ. Lực lượng dân phòng cũng như các tổ trưởng tổ dân phố nhận “nhiệm vụ” trông xe cho nhân dân hết.” – anh cho biết.

Chung sức với anh em, chính bản thân anh Tưởng cũng đi từ tờ mờ sáng và về khi mà mọi người đã yên giấc. “Hãn hữu lắm mới gặp con, đến lúc nó bật câu “Ôi, lâu lắm rồi mới gặp bố” mà tôi cũng dở khóc dở cười” – anh kể.

Chuyện phải đến tận nhà người dân vận động hoặc lực lượng CA phải mang trang thiết bị đến tận nhà người dân để làm CCCD là điều không mới lạ đối với các chiến sĩ CA phường Đại Kim. Anh Tưởng cũng kể lại câu chuyện các anh đã làm thành công CCCD cho một công dân bị bệnh down. Theo anh, việc làm CCCD đơn giản với người bình thường, nhưng đối với những người có tiền sử bệnh tâm thần thì không hề dễ dàng.

“Có những công dân bị bệnh down mà khi chụp ảnh, ánh sáng chỉ lóe lên là kích động, la hét, đập phá. Mặc dù lực lượng đã mang máy đến nhà ba, bốn bận vẫn không thể chụp được ảnh của công dân này. Và rồi lại chờ đợi để khi họ bình tĩnh, ổn định sức khỏe rồi từ từ làm”. – anh cho biết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mà các anh đã làm thành công. Đơn cử trường hợp anh D.Q.T (sinh năm 1985), khi các cơ quan chức năng vào vận động gia đình đưa anh T. đi làm nhưng vì ngại phiền nên gia đình cứ lần nữa. Họ cho rằng với anh T. đến ăn, ngủ cũng cần có người để ý, kiểm soát thì sao có thể phát sinh những giao dịch khác nên không nhất thiết phải làm CCCD. Lại bằng công tác tuyên truyền về quyền lợi cũng như cái được mất khi Luật cư trú đi vào cuộc sống từ 1/1/2023, việc khám xét không dùng thẻ bảo hiểm y tế mà chỉ quét mã QR trên CCCD, lúc ấy người nhà mới đồng ý để anh T. ra phường làm CCCD.

“Khi người dân đã ra phường rồi thì mọi chuyện cũng dễ dàng hơn. Việc làm CCCD không quá mất thời gian cho người dân, mà sau này khi đồng bộ mọi dữ liệu, đối tượng được hưởng lợi đầu tiên là người dân… vậy nên theo chúng tôi, người dân nên làm CCCD càng sớm càng tốt.” – đồng chí Tưởng nói.

(Còn nữa)

Ứng dụng thẻ CCCD gắn chip để định danh, xác thực trong ký kết Hợp đồng điện tử Ứng dụng thẻ CCCD gắn chip để định danh, xác thực trong ký kết Hợp đồng điện tử
Đề xuất 5 cách thức để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Đề xuất 5 cách thức để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.