Trường Đại học và Đại học khác nhau như thế nào?

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là bước ngoặt phát triển mang tính đột phá của ngôi trường này. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn những ý kiến băn khoăn, chưa hiểu rõ về sự khác nhau của mô hình Trường Đại học và Đại học.
Trường Đại học và Đại học khác nhau như thế nào?
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội từ ngày 2/12

So sánh Trường Đại học và Đại học

Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018, các khái niệm được dùng làm tên gọi các cơ sở giáo dục Đại học, gồm: Trường Đại học, Học viện (được gọi chung là Trường Đại học); Đại học (ví dụ như mô hình của một số Đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên.

Theo luật, Trường Đại học là cơ sở giáo dục Đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. Còn Đại học là cơ sở giáo dục Đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực; các đơn vị cấu thành Đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Đơn vị thành viên của Đại học là Trường Đại học, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học.

Trong Đại học và Trường Đại học cùng có thể có đơn vị trực thuộc, là đơn vị có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục Đại học, do hội đồng trường, hội đồng Đại học quyết định thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục Đại học.

Bên cạnh đó, trong Đại học và Trường Đại học còn có đơn vị thuộc, tức là đơn vị không có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục Đại học, do hội đồng trường, hội đồng Đại học quyết định việc thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục Đại học, phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục Đại học, do hội đồng trường, hội đồng Đại học quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục Đại học.

Về cơ bản, Đại học và Trường Đại khác nhau ở phạm vi đào tạo và nghiên cứu. Trong khi Đại học đa lĩnh vực (trong một lĩnh vực thường có nhiều ngành) thì Trường Đại học chỉ cần đa ngành.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật 34, Đại học và Trường Đại học còn khác nhau ở chỗ, Trường Đại học không chịu sự quy định về quy mô, còn Đại học thì có.

Điều kiện để Trường Đại học được chuyển lên Đại học

Cũng theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP, để được chuyển từ Trường Đại học lên Đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, Trường Đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục Đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

Thứ hai, trường cần ít nhất 3 Trường Đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Về quy mô đào tạo sinh viên chính quy từ 15.000 em trở lên.

Thứ ba, trường cần ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với Đại học công lập, còn với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn.

Thứ tư, trường xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học do các Trường Đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung. Đồng thời làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).

Nghị định cũng cho phép các Trường Đại học đơn lập được liên kết để trở thành Đại học chung. Điều kiện là phải có ít nhất 3 Trường Đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành Đại học, hoặc có ít nhất 3 Trường Đại học là Trường Đại học tư thục và Trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Các trường tham gia liên kết phải xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung, các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản. Ngoài ra, phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường Đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường Đại học tư thục, Trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Các trường sẽ gửi hồ sơ chuyển đổi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Thủ tướng quyết định.

Đại học Bách khoa Hà Nội không xây dựng các Trường Đại học thành viên

Với Đại học Bách khoa Hà Nội hiện tại (tính từ 2/12/2022) không có Trường Đại học thành viên mà chỉ có 3 trường trực thuộc là Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử (mới thành lập năm 2021).

Cụ thể, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí trên cơ sở tổ chức lại 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh); Trường Điện - Điện tử trên cơ sở tổ chức lại 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng).

Theo Quyết định 1512/QĐ-TTg, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan.

Đại học Bách khoa Hà Nội hướng tới mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm "Một Bách khoa Hà Nội". Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn Đại học.

Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.

Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của Đại học.

Đại học Bách khoa Hà Nội đặt ra phương châm "Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm", phát triển môi trường làm việc quốc tế hóa, nơi hội tụ và phát triển tài năng, thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc, một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, tác động quan trọng vào phát triển kinh tế tri thức và góp phần gìn giữ hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình đào tạo chia sẻ trên nền tảng chuyển đổi số hiện đại.

Theo Bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) 2023, Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 33% các Đại học tốt nhất châu Á. Tổ chức QS xếp Bách khoa Hà Nội vào nhóm các Trường Đại học công có quy mô đào tạo rất lớn và mức độ nghiên cứu rất cao.

Trong Bảng xếp hạng Đại học khu vực Đông Nam Á mới được công bố năm nay, Bách khoa Hà Nội xếp thứ 54 trong số các Đại học tốt nhất của khu vực.

Trước đó, Bách khoa Hà Nội cũng được xếp hạng thứ 360 thế giới và số 1 Việt Nam về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo bảng xếp hạng đại học thế giới theo nhóm ngành năm 2022 của QS. Cả 05 nhóm ngành được xếp hạng năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội bao gồm Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; và Khoa học Vật liệu đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết việc nâng cấp từ Trường Đại học thành Đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành Đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một Đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh: "Không phải cứ lên Đại học là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình Đại học không phù hợp. Đặc biệt cũng không nên đánh giá Trường Đại học hay Đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình riêng".

11 cơ sở đại học của Việt Nam lọt vào Bảng xếp hạng đại học châu Á 2023 11 cơ sở đại học của Việt Nam lọt vào Bảng xếp hạng đại học châu Á 2023
Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.