Nước mắt từ một phiên tòa

Mới đây, TAND TP HCM đã đưa Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái, hai bị cáo trong vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết ra xét xử. Đây là vụ án thu hút được sự quan tâm rất lớn từ đông đảo Nhân dân cả nước bởi những hành động dã man, tàn nhẫn của các bị cáo trút lên thân thể của một bé gái. Và đây cũng là một phiên xét xử đẫm nước mắt từ khi nó diễn ra kết thúc…
Người dân mang những bông cúc trắng đến theo dõi phiên tòa bé V.A ngày 25/11
Người dân mang những bông cúc trắng đến theo dõi phiên tòa bé V.A ngày 25/11

Nước mắt bởi tột cùng nỗi đau

Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai), người tình của Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, TP HCM) đã bạo hành bé N.T.V.A (SN 2013) con gái của Thái đến chết khiến dư luận cả nước phẫn nộ. Tháng 7/2022, phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1 diễn ra, tuy nhiên ngay sau đó TAND TP HCM đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 25/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái được mở lại.

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân ở TP HCM đã bỏ làm đến khu vực TAND TP HCM, nơi diễn ra phiên xét xử. Nhiều người dân trong cả nước cũng đã thu xếp công việc, đến TP HCM để theo dõi phiên tòa. Họ là những người không thân thích, không ruột thịt, trước đấy cũng không quen biết gia đình bé V.A, nhưng ngày diễn ra phiên tòa, họ đến để chứng kiến sự nghiêm minh của pháp luật, đến để mong chứng kiến giây phút lấy lại công bằng cho bé V.A. Trên sân tòa hôm ấy vắng mặt mẹ của nạn nhân, chị đưa đơn lên tòa xin vắng mặt vì lý do sức khỏe, thế nhưng ắt hẳn mọi người đều hiểu, trong cả quãng thời gian qua, ngày diễn ra phiên tòa cũng như những ngày về sau, nước mắt sẽ tiếp tục rơi trên khuôn mặt bà mẹ trẻ. Thay mặt con gái, ôm tấm di ảnh của nạn nhân đến tham dự, bà ngoại của bé V.A cũng nhiều lần khóc ngất trong phiên tòa. Người dưng còn cảm nhận được nỗi đau của cháu bà, vậy thì người ruột thịt như bà có lý nào không đau thấu ruột gan.

Và cũng ít ai để ý, bố của Nguyễn Võ Quỳnh Trang, một người làm trong ngành tòa án xuất hiện trong phiên tòa. Trong một ngày dài đằng đẵng chứng kiến phiên tòa xét xử con gái mình, nghe lại những tội ác con mình đã gây ra, ắt hẳn lương tri của người cha cũng không khỏi dằn vặt, day dứt và đớn đau... Và nước mắt Nguyễn Võ Quỳnh Trang cũng đã rơi nhưng đã quá muộn để sợ hãi hay ân hận!

Đừng để khi có hậu quả nghiêm trọng mới được xử lý

Mặc dù đã dự và bào chữa cho nhiều những phiên tòa hình sự liên quan đến trẻ em, nhưng khi biết thông tin về vụ bé V.A, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Hà Nội vẫn bàng hoàng, sốc nặng vì tình tiết của vụ án. Làm công tác tố tụng đã lâu, tiếp xúc với những vụ án hình sự cũng nhiều, những vụ bạo hành trẻ em cũng lắm, nhưng chẳng phải vì thế mà ông không khóc bởi cảm nhận những nỗi đau của nạn nhân.

Vì luật sư cũng là người, cũng có cảm xúc, ông nói: “Vì trách nhiệm của tôi hàng ngày vẫn phải tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, phân tích hành vi, chứng cứ và càng ngày đọc hồ sơ vụ án càng kinh khủng, tôi tin chắc mọi người sẽ không ai có thể chịu được khi xem những hành động dã man của bị cáo đối với cháu bé. Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc, cũng có trái tim nóng, mình cũng là người cha nên thực sự rất ám ảnh.” Ông cảm thán, có lẽ sau khi kết thúc vụ án, ông mới có thể trở về cuộc sống bình thường.

Là một trong những người trực tiếp xem những video bé V.A bị bạo hành được khôi phục từ camera ở căn hộ, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, Phó Chủ nhiệm CLB tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương, không khỏi xót xa. Bà cho biết, buổi sáng bà biết được thông tin và tiếp cận chứng cứ của vụ án bà đã bật khóc. Camera tại căn hộ quay được cảnh bé 8 tuổi bị đánh dã man, người phục hồi camera bị xóa coi mà cũng phải khóc. “Bé bị đánh khoảng 4 tiếng đồng hồ bằng cây gậy gỗ đặc, mà nó cởi quần áo bé gái để đánh”, luật sư Ngọc Nữ xúc động nói. Những hình ảnh đó cứ khiến bà đặt lưng xuống giường nước mắt lại chực trào.

Một vụ án khiến nhiều người trưởng thành, cứng cỏi đến thế phải rơi nước mắt ắt không phải bình thường. Để lý giải một cách chính xác câu chuyện diễn ra tại một TP lớn, với những bị cáo có ăn, có học, đủ nhận thức đúng sai, không ai lý giải được. Tại sao, ở xã hội ngày nay, khi con người ta phần lớn ý thức được quyền, nghĩa vụ, được tiếp cận với cuộc sống văn minh thì ở một căn nhà nào đó, vẫn diễn ra những thảm kịch như thời trung cổ… Về câu chuyện này, luật sư Thơm nhận định, các vụ án xâm phạm quyền trẻ em đã được các cơ quan tố tụng xử lý rất nghiêm minh nhưng tình trạng bạo hành vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước với tính chất, mức độ và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Khốn nỗi, quy định của pháp luật bảo vệ quyền trẻ em rất nhiều, hình thức xử lý từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự đã có đầy đủ nhưng vi phạm pháp luật vẫn tiếp diễn.

Đừng để những câu chuyện ấy diễn ra, bởi khi dư luận căm phẫn thì đa phần đã quá muộn. Theo luật sư Thơm, để tránh, để ngăn ngừa những phiên tòa đầy ám ảnh, đau thương như vụ bé V.A vừa qua, điều quan trọng nhất vẫn là công tác phòng ngừa, phát hiện mầm mống từ khi có dấu hiệu trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình. Để có thể thực hiện điều đó, ngay bản thân các thành viên gia đình phải có trách nhiệm, không thể coi đó là công việc nội bộ "dạy dỗ" trẻ bằng bạo lực. Công tác giám sát cộng đồng rất quan trọng khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bạo hành phải được can thiệp, răn đe kịp thời.

Phiên tòa vì đất day dứt tình
Rất đông người dân đã có mặt tại tòa để chứng kiến phiên tòa bé gái 8 tuổi bị bạo hành
Vì sao tòa không chấp nhận phản tố của bị đơn?

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.